Shaha Riza, người tình bé bỏng

Sau 6 tuần lễ xung đột gay gắt giữa một bên là cựu nhân vật số hai của Lầu Năm Góc và bên kia là nhân viên của ông cùng các thành viên hội đồng quản trị, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Paul Wolfowitz cuối cùng buộc phải tuyên bố sẽ ra đi vào ngày 30-6. Mọi chuyện bắt đầu từ việc phát hiện ông chủ tịch nâng bậc và tăng lương “trái với đạo đức” cho một viên chức cấp trung vốn là “bạn gái” của ông. Nhưng đó chỉ là cái cớ, còn nguyên nhân sâu xa là một cuộc đấu tranh chính trị không khoan nhượng

Người châm ngòi nổ xì-căng-đan Paul Wolfowitz là bà Shaha Riza, 53 tuổi, nguyên quyền giám đốc ngoại vụ của WB đồng thời là viên chức cao cấp của phòng thông tin phụ trách mảng Trung Đông và văn phòng khu vực Bắc Phi của WB.

Nữ công dân Anh Shaha Riza sinh ra tại Tripoli (Libya) – cũng có tin nói tại Tunis, thủ đô Tunisia - sau đó lớn lên ở Tunisia, Ả Rập Saudi và Anh. Cha bà là người Libya từng làm cố vấn cho Saud, vua Ả Rập Saudi; còn mẹ là người Ả Rập Saudi gốc Syria hiện đang sống ở Libya. Nghe nói từ thuở ấu thơ, bà đã quyết tâm theo đuổi lý tưởng biến các nước Ả Rập thành những quốc gia dân chủ, bình quyền và tự do.

Tình Mỹ duyên Ả Rập

Bà Riza tốt nghiệp Trường Kinh tế London và năm 1983 lấy bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Trường Đại học St. Anthony, Oxford. Cùng học trường này có Bulent Ali Riza, một người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Hai người kết hôn rồi dẫn nhau qua Mỹ lập nghiệp.

Thông thạo 5 thứ tiếng là Ả Rập, Anh, Pháp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, bà Riza dễ dàng tìm một công việc theo ý muốn. Cơ quan đầu tiên thu nhận bà là Iraq Foundation, một tổ chức của những người Iraq lưu vong mưu toan lật đổ bất thành tổng thống Saddam Hussein hồi chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Sau đó, bà đầu quân vào tổ chức National Endowment for Democracy (NED), một tổ chức cổ xúy những lý tưởng Mỹ do tổng thống Ronald Reagan thành lập.

img
Bà Shaha Riza

Chính trong thời gian công tác ở NED, số mệnh xui khiến bà Riza gặp gỡ Wolfowitz lúc đó nằm trong ban lãnh đạo cơ quan. Cả hai mến nhau vì có chung lý tưởng là biến đổi các quốc gia Trung Đông thành những nền dân chủ kiểu Mỹ. Mặc dù bà Riza theo đạo Hồi nhưng ông Wolfowitz cảm thấy rung động thật sự. Riza trẻ hơn vợ ông đến 8 tuổi và đáng nói hơn cả còn là một người đồng chí hướng về chính trị. Từ chỗ mến đến chỗ yêu không bao xa. Lúc đó cả hai đều đang có chồng và có vợ.

Ông Wolfowitz lấy vợ (bà Clare Selgin) năm 1968 và có ba người con. Nhưng họ đã đang sống ly thân từ năm 2001 sau khi bà tố cáo ông dan díu với một nữ nhân viên dưới quyền khi ông làm hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins. Tại thời điểm hiện tại, coi như hai người đã chính thức ly thân mặc dù bà Clare vẫn còn ỡm ờ về tình trạng gia cảnh này.

Theo nhật báo The Washington Post, Wolfowitz và Riza che giấu tài tình mối tình Mỹ-Ả Rập của mình. Họ rất ít khi đi chung với nhau hoặc bày tỏ tình cảm sâu kín ở bề ngoài. Chỉ có một số ít bạn bè thân thiết của hai người biết mà thôi. Báo chí chỉ biết câu chuyện tình Wolfowitz-Riza hồi tháng 3-2005, khi những người hàng xóm của bà Riza chủ động tiết lộ cho các nhà báo biết. Lúc đó, Tổng thống Bush đã quyết định bổ nhiệm ông Wolfowitz vào chức vụ chủ tịch WB bất chấp phản đối của thành viên WB của một số nước khác.

Mãi đến tháng 5-2005, tức một tháng trước khi chính thức nhận nhiệm vụ, ông Wolfowitz thừa nhận mối quan hệ trên mức tình cảm của ông với nhân viên Riza. Điều này vi phạm quy tắc đạo đức của WB, cấm cấp trên có quan hệ cá nhân với nhân viên cấp dưới. Bà Riza chỉ có thể tiếp tục công tác ở WB nếu chịu làm một công việc khác không thuộc quyền ông Wolfowitz.

Ông Wolfowitz đã thương lượng với Hội đồng Đạo đức về việc giải quyết có tình có lý sự nghiệp của bà Riza. Wolfowitz đưa ra nhiều giải pháp. Ban đầu, ông đề nghị vẫn giữ Riza ở lại WB và hứa không can thiệp vào những vụ việc liên quan đến Riza. Hội đồng bác bỏ giải pháp này. Sau đó, ông đề nghị biệt phái Riza sang Bộ Ngoại giao làm việc cho con gái của Phó Tổng thống Dick Cheney, lo việc xúc tiến dân chủ ở Trung Đông. Đồng thời, ông cũng đề nghị tăng lương để đền bù việc làm đứt quãng thời gian công tác của Riza tại WB và bảo đảm tăng lương trong tương lai.

Tham ô, bè phái

Theo văn phòng ông Wolfowitz, Hội đồng Đạo đức WB đã chấp thuận giải pháp biệt phái bà Riza sang Bộ Ngoại giao. Sau đó, ông Wolfowitz giao cho ông Xavier Coll, Phó Chủ tịch WB phụ trách nguồn nhân lực, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, theo lời ông Steven R. Weisman, lúc đó là chủ tịch hội đồng, phát biểu trên tờ The New York Times, ông không được thông báo chi tiết về việc lương bổng của bà Riza. Hơn nữa, Hiệp hội Nhân viên WB cho biết mức tăng như thế là gấp đôi mức cho phép. Một dấu hiệu tham ô, bè phái.

Vào tháng 2-2006, đường dây nóng chống tham nhũng của WB nhận được nhiều e-mail nặc danh tố cáo Chủ tịch Wolfowitz vi phạm đạo đức khi chỉ đạo việc đền bù lương cho bà Riza. Nội vụ chỉ thực sự nổ bùng khi tờ The Washington Post (WP) vào đầu năm 2007 cho biết lương thực tế của bà Riza đã tăng mỗi năm từ 132.660 USD lên 193.590 USD. Tờ báo này còn phanh phui thêm ba chuyện động trời:

1) Đích thân ông Wolfowitz trực tiếp chỉ đạo ông Coll soạn thảo nội dung hợp đồng biệt phái bà Riza sang Bộ Ngoại giao Mỹ.

2) Việc thương lượng chi tiết hợp đồng không có mặt luật sư hàng đầu của WB.

3) Ban Giám đốc WB và Hội đồng Đạo đức không được thông báo đúng lúc về những chi tiết cụ thể trong bản thỏa thuận cuối cùng.

Trước làn sóng chỉ trích và yêu cầu từ chức từ bên trong nội bộ lẫn dư luận bên ngoài, ngày 12-4-2007, Wolfowitz buộc phải xin lỗi vì đã “nhầm lẫn” nhưng từ chối từ chức. Một cuộc thương lượng sau đó với hội đồng quản trị đã đi đến một thỏa thuận vào ngày 17-5: Wolfowitz chấp nhận ra đi nhưng được xí xóa tội tăng lương vô tội vạ cho bồ nhí.