Số phận trẻ em Iraq thời cấm vận và hiểm họa chiến tranh

Iraq.- Kể từ khi bị cấm vận, đã có 1,6 triệu trẻ em Iraq tử vong vì thiếu lương thực và thuốc men, tăng 7 lần so với trước khi cấm vận

Emira mới một ngày tuổi thì bị cha mẹ bỏ rơi vì không đủ tiền nuôi em. Em chỉ là một trong vô số trẻ em Iraq chịu đau khổ bởi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (LHQ) áp đặt từ năm 1990 cùng với những lo ngại về một cuộc chiến tranh mới do Mỹ phát động. Emira được mang đến một trại trẻ mồ côi ở thủ đô Baghdad. Đây là 1 trong số 4 trại trẻ mồ côi đang nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em Iraq. Nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ rơi trong khi những em khác bị mất cha mẹ, trong đó một số thiệt mạng trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.

Theo Aneeba Jabar, Giám đốc Trung tâm Trẻ mồ côi Al-Naja nằm bên bờ sông Tigris ở ngoại ô Baghdad, trẻ em mồ côi tại thành phố này tăng lên rất nhiều trong vài năm qua do lệnh cấm vận của LHQ. Trước khi có cấm vận và cuộc chiến vùng Vịnh, Baghdad chỉ có 2 trung tâm trẻ mồ côi, nhưng giờ tăng lên 4. Bà cho biết không thể tính chính xác số trẻ em mồ côi hiện nay ở Baghdad vì con số này tăng lên hàng ngày. Trong khi Jabar nói, bé Emira đang nằm bú sữa bình. Em phải chia sẻ giường ngủ nhỏ xíu của mình với một em bé khác.

Các quan chức LHQ và Mỹ liên tục bác bỏ cáo buộc về những tác động về mặt nhân đạo của việc cấm vận Iraq, và cho rằng cuộc cấm vận có thể được dỡ bỏ nếu như Iraq tuân thủ những nghị quyết của LHQ. Tổ chức này cũng chỉ trích việc Iraq chỉ dành một phần nhỏ của chương trình đổi dầu lấy lương thực để cải thiện tình hình dinh dưỡng cho trẻ em. Nhưng sự thật là Iraq chẳng bao giờ được tự do mua bất kỳ loại thực phẩm nào theo chương trình nói trên, trong khi ủy ban giám sát lệnh cấm vận thỉnh thoảng lại từ  chối hay trì hoãn việc cung cấp những thực phẩm và thuốc men mà Iraq cần.

Trước năm 1990, Iraq là một trong những nước Ả Rập thịnh vượng nhất do có nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ. Tuy nhiên, từ khi bị cấm vận, nền kinh tế của Iraq bắt đầu đi xuống khiến mức sống của người Iraq giảm rõ rệt: tiền lương bình quân hàng tháng từ 500 USD giảm xuống còn 10 USD. Hiện nay, nhiều người Iraq đang sống dưới mức nghèo khổ, khiến nhiều gia đình không đủ cho con mình ăn no mặc ấm nên buộc phải từ bỏ con mình. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến mẹ của Emira phải bỏ con lại bệnh viện sau khi sinh.

Kể từ khi Mỹ liên tục đe dọa sẵn sàng đơn phương tấn công Iraq với cái cớ nước này đang phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm nghị quyết LHQ và ủng hộ khủng bố, tầng hầm của Bệnh viện Al-Mansour Teaching ở Baghdad đang được tu bổ lại để sẵn sàng làm nơi trú ẩn cho 200 bệnh nhân ung thư, thân nhân và nhân viên bệnh viện nếu chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, hệ thống y tế Iraq không chỉ phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ tấn công. Bác sĩ Luay Kasha, giám đốc bệnh viện nói trên, cho biết kể từ khi Iraq bị cấm vận, đã có 1,6 triệu trẻ em Iraq tử vong, cao gấp 7 lần so với cùng thời điểm trước cấm vận. Con số này cũng phù hợp với thống kê của LHQ, trong đó cũng đề cập đến tình trạng suy dinh dưỡng của hơn 1 triệu trẻ em Iraq.

Theo Kasha, việc Mỹ sử dụng vũ khí có chứa uranium làm nghèo trong chiến tranh vùng Vịnh có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Số trẻ em bị ung thư tăng gấp 5 đến 7 lần so với trước 1990, hầu hết đều do phóng xạ gây ra như bệnh bạch cầu. Ngoài ra, sau chiến tranh, Iraq đối mặt với việc thiếu thức ăn và thuốc men cần thiết, trong khi nhiều dịch bệnh chết người phát triển như tiêu chảy, viêm phổi... Emin Fellah, một cậu bé 5 tuổi, da bọc xương đang chết dần chết mòn vì căn bệnh bạch cầu trong khi người mẹ chỉ biết nhìn con mà khóc. Bác sĩ Lana Ahmed cho biết nếu bệnh viện có đủ thuốc thì em có thể có cơ hội. Nhưng với tình trạng thiếu thốn như hiện nay, bệnh viện không thể làm gì được cho em.