Sự kiện qua ảnh: Châu Á năm 2001
Châu Á vào năm đầu tiên của thế kỷ 21 đầy những sự kiện và biến cố lớn: chiến tranh, khủng bố, loạn lạc... Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2001 do bộ phận quốc tế Báo NLĐ bình chọn.
1. Chế độ Taliban sụp đổ
Sau sự kiện 11-9, Mỹ tiến hành chiến dịch “Tự do bền vững” tấn công Afghanistan nhằm tiêu diệt Osama Bin Laden, kẻ tình nghi số 1 trong vụ tấn công vào nước Mỹ, và đầu não mạng lưới khủng bố quốc tế Al - Qaeda. Các lực lượng Afghanistan chống Taliban, nhân dịp này, đã phản công lật đổ chế độ Taliban, thành lập chính quyền lâm thời Afghanistan vào ngày 22-12. Ảnh 1: Nhân dân Kabul mừng rỡ trong ngày giải phóng thủ đô.
2. Việt Nam - Mỹ ký kết Hiệp định Thương mại
Sau hơn 6 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (tuyên bố ngày 11-7-1995 của Tổng thống (TT) Bill Clinton), ngày 18-10 TT George W. Bush đã ký phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Kế đó, ngày 7-12 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký phê chuẩn hiệp định này. Sự kiện Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ chính thức có hiệu lực từ ngày 10-12 đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh 2: Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan tại buổi ký hợp đồng mua máy bay Boeing của Vietnam Airlines
3. Khủng hoảng chính trị ở Indonesia
Xung đột sắc tộc, tôn giáo, phong trào ly khai ở một số tỉnh xa xôi đã góp phần làm cho tình hình chính trị ở nước này rối ren gần như suốt năm. Đỉnh cao cuộc khủng hoảng là quốc hội truất phế TT Abdurrahman Wahid vào ngày 23-7 vì bất lực và bê bối tài chính. Sau khi bà Phó TT Megawati Sukarnoputri lên thay, tình hình lắng dịu chút ít nhưng hãy còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ảnh 3: Xung đột đẫm máu sắc tộc giữa người Dayak và người Maldinese ở đảo Kalimanfan.
4. Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Từ 15 năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực phấn đấu trở thành thành viên của WTO. Sau một thời gian dài đàm phán, đấu tranh với hai đối tác chủ yếu là Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU), tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu. Mặc dù Trung Quốc cần phải cải tổ tiếp một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông và dịch vụ tài chính, sự kiện này mở đường cho Trung Quốc nổi lên như một thế lực kinh tế tiềm năng đáng gờm không chỉ ở châu Á mà còn ở toàn cầu. Ảnh 4: Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác kinh tế Trung Quốc Thạch Quảng Sinh ăn mừng sự kiện trọng đại này tại buổi lễ kết nạp chính thức thành viên Trung Quốc của WTO.
5. Quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan
Ngày 13-12, năm tên khủng bố Hồi giáo ở Kashmir tấn công trụ sở Quốc hội Ấn Độ ở New Delhi làm 14 người chết, trong đó có 5 tên khủng bố. Theo Ấn Độ, đứng đằng sau vụ khủng bố này là hai tổ chức Hồi giáo ở Kashmir đòi ly khai được Pakistan nuôi dưỡng là Lashkar - e - Tayyaba và Jaish - e - Mohammed. Sự kiện này khiến quan hệ Ấn Độ - Pakistan trở nên hết sức căng thẳng. Cả hai nước đều bố trí tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại biên giới chung và tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh mặc dù không muốn. Ảnh 5: Một tên khủng bố chết bên trong trụ sở Quốc hội Ấn Độ.
6. Tổng thống Joseph Estrada bị cầm tù
Bị tố cáo tham nhũng, tòa án chống tham nhũng Philippines đã ra lệnh bắt giam TT Joseph Estrada hồi tháng tư. Ông này đã bị lật đổ sau một cuộc nổi dậy của quần chúng. Bà Gloria Macapagal Arroyo, phó TT lên thay. Tuy nhiên, đất nước này vẫn phải đối phó với các nhóm Hồi giáo cực đoan như Abu Sayyaf, gây khó khăn cho chính phủ với những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc hoặc vũ trang nổi dậy. Ảnh 6: Joseph Estrada trong tù ngày đầu tiên.
7. Va chạm máy bay Mỹ - Trung Quốc
Ngày 1-4, chiếc máy bay do thám Mỹ EP-3E buộc phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam sau khi va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc làm một phi công Trung Quốc chết mất xác. Mỹ phải xin lỗi vì chiếc EP-3E xâm phạm không phận Trung Quốc. Sau 12 ngày đàm phán, 24 nhân viên phi hành đoàn được trả về Mỹ. Ba tháng sau, chiếc máy bay mới được trả cho Mỹ, kèm theo một hóa đơn đòi bồi thường 1 triệu USD mà Mỹ từ chối trả. Ảnh 7: Chiếc EP-3E đậu trên đường băng sân bay Linh Thủy.
8. Hoàng gia Nepal bị thảm sát
Hoàng thái tử Dipendra, trong một cơn say rượu đã nã súng giết chết vua Birendra và 9 người trong hoàng tộc, sau đó tự kết liễu đời mình. Sau cuộc thảm sát này, đất nước Nepal lại rơi vào một cuộc nội chiến với du kích Mao-ít khá đẫm máu. Ảnh 8: Người dân Nepal thương tiếc cố Quốc vương Birendra.
9. Thảm họa động đất ở Gujarat
Có ít nhất 30.000 người chết trong thảm họa xảy ra ngày 26-1 tại bang Gujarat, Ấn Độ sau một trận động đất mạnh 7,9 Richter. Ảnh 9: Một cậu bé cố kéo xác mẹ ra khỏi đống bê tông đổ nát ở gần thị trấn Bhuj, bang Gujarat.
10. Công chúa Aiko
Ngày 1-12, công nương Masako hạ sinh một công chúa được đặt tên là Aiko. Toàn dân Nhật Bản đã hân hoan đón nhận tin vui này và kêu gọi quốc hội sửa đổi hiến pháp đưa công chúa này lên ngôi sau này. Ảnh 10: Công nương Masako và công chúa Aiko