Sự thật trong phim chỉ đúng 20%
“Tôi sẽ còn trở lại VN để viết những cuốn sách hay hơn những cuốn tôi đã viết”. Phóng viên chiến tranh Joseph L.Galloway đã nhắn nhủ như vậy khi trở lại thăm VN vào những ngày cuối tháng 4-2005. Đối với ông, cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN gần như đã hủy hoại đạo lý của quân Mỹ nhưng phải mất đến 10 năm ông mới hiểu được thực tế hiển nhiên này
Cái tên Joseph L. Galloway đã nổi tiếng trong làng báo thế giới từ hơn 20 năm nay bởi những bài viết chân thực, xúc động về các cuộc chiến tranh. Ông xông xáo ở tất cả các điểm nóng, VN, vùng Vịnh, Afghanistan v.v... Tháng 11-1965, chàng phóng viên trẻ có mặt tại chiến trường VN, trực tiếp quay phim về trận chiến quy mô lớn đầu tiên giữa sư đoàn kỵ binh bay số một Mỹ với bộ đội chủ lực VN tại thung lũng Ia Drang, Pleiku. Chứng kiến sự thất bại của quân đội Mỹ cùng những cái chết thương tâm của lính Mỹ, ông đã cùng trung tướng hồi hưu Hal J. Moore, chỉ huy lực lượng Mỹ trong cuộc đụng độ dài ngày và ác liệt trong trận Ia Drang, viết cuốn We’re soldiers once... and young (Chúng tôi từng là lính... thời trẻ trung). Cuốn sách ngay lập tức trở thành sách bán chạy, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh. Hiện ông là phóng viên quân sự cao cấp của tập đoàn báo chí Knight Ridder Newspapers và viết cho nhiều tờ báo khác.
Trở lại VN lần này trong đoàn cựu binh Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh và 10 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Galloway đã tận mắt chứng kiến những đổi thay khiến ông ngạc nhiên.
Ông đã chia sẻ cảm nghĩ của mình với phóng viên Báo Người Lao Động.
. Phóng viên: Đây là lần đầu ông trở lại VN?
- L. Galloway: Không, đây là lần thứ 5. Từ những năm 1992-1993, tôi cùng với khoảng 10 cựu binh Mỹ tham gia trận Ia Drang đã trở lại VN. Chúng tôi đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phỏng vấn các tướng Chu Huy Mân, Nguyễn Hữu An, Đặng Vũ Hiệp để lấy tư liệu viết cuốn We’re soliders once... and young. Chúng tôi đã đi dọc miền Trung, trở lại nơi xảy ra cuộc chiến đẫm máu năm xưa. Cuốn sách ra đời năm 1993 và được đón nhận nồng nhiệt. Cùng năm đó, đài truyền hình Mỹ ABC cũng đã làm một bộ phim tài liệu về trận chiến Ia Drang.
Xúc động nhất là khi tôi gặp lại tướng Nguyễn Hữu An, người đã chỉ huy “quét” lính Mỹ ra khỏi thung lũng Ia Drang tháng 11-1965. Chúng tôi đã cùng bước trên mảnh đất chiến trường xưa, cùng lau nước mắt khóc thương binh lính chết trận của cả hai phía. Tướng An đã qua đời năm 1994. Năm 1995, tôi cùng tướng Hal Moore đến viếng ông tại nhà riêng ở Hà Nội và gặp vợ, con ông. Trong tủ kính đựng những vật kỷ niệm của ông, bên cạnh bộ quân phục, huân - huy chương và ảnh của ông thời trai trẻ, có một bản sao cuốn sách của tôi. Tôi thật sự vui mừng khi hòa bình và thịnh vượng cuối cùng đã đến với người dân VN. Giờ không còn chỗ cho hận thù và cay đắng nữa, ngay cả ký ức đau buồn cũng sẽ sớm bị lãng quên.
. Cuốn sách của ông hoàn toàn nói về người thật, việc thật?
- Chính xác 100%, nhưng bộ phim dựa theo cốt truyện của tôi thì lại khác. (Bộ phim We’re soldiers do nam tài tử Hollywood Mel Gibson đóng vai chính). Sự thật trong đó chỉ chiếm 20%, rất nhiều cảnh giả. Bộ phim đã làm tôi thất vọng như nhiều người VN. Khi ta trao cuốn sách của mình cho điện ảnh, điều đó cũng tương tự như khi ta trao đứa con rứt ruột đẻ ra cho người khác làm con nuôi vậy.
. Ông có biết gì về cuộc sống hiện nay của các cựu chiến binh Mỹ?
- Các cựu chiến binh còn sống sót sau cuộc chiến đều có cuộc sống riêng, một số giàu lên, một số nghèo đi, nhưng đa số đều cảm thấy mất phương hướng, đặc biệt những người đã tham gia trận Ia Drang. Theo tôi, khoảng 20% cựu chiến binh thực sự bị “ stress” khi chiến tranh kết thúc. Chiến tranh VN đã hủy hoại đạo lý của quân đội Mỹ. Một số tổng thống (TT) Mỹ đã sai lầm do dính líu vào cuộc chiến này. TT Lyndon B.Johnson đã đưa những lính Mỹ đầu tiên sang VN khiến thanh niên Mỹ rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối. Người kế nhiệm ông ta, Richard Nixon cũng bị lung lay vì cuộc chiến này. Vị TT thứ ba, Gerald Ford đã bị chính cuộc chiến què quặt này đánh bại. Cuộc chiến đã đem lại cho tôi những người bạn tốt nhất nhưng cũng nhanh chóng lấy mất hết của tôi. Khuôn mặt họ vẫn ám ảnh tôi không dứt.
. Trong mắt ông, VN đã thay đổi thế nào?
- Mỗi lần tôi trở lại VN là mỗi lần tôi thấy “sửng sốt” về sự thay đổi của VN. Lần đầu tiên, tôi đến Hà Nội, đường phố tràn ngập xe đạp nhưng nay đã đầy xe máy, ô tô, nhà cửa mọc lên san sát, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng. Tôi nghĩ trong một vài năm tới, Hà Nội sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa. Tôi rất vui mừng nhận thấy người dân VN đang tận hưởng cuộc sống của mình. Người VN vẫn là dân tộc cần cù chịu khó nhất mà tôi từng biết, kiên cường tranh đấu cho tự do và độc lập.
Chiến dịch mang tên Pleime kéo dài từ ngày 19-10 đến 26-11-1965 tại thung lũng Ia Drang, Pleiku. Lần đầu tiên quân giải phóng áp dụng chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh” chống chiến thuật “trực thăng vận, đánh nhanh, thắng nhanh” của Mỹ. Kết thúc chiến dịch, ta thắng lớn, tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác cũng như sư đoàn kỵ binh bay Mỹ. Đối với Mỹ, trận Ia Drang được coi là trận đánh đẫm máu nhất, gây thương vong nhiều nhất cho lính Mỹ trong chiến tranh VN, là tín hiệu phá sản chiến lược “trực thăng vận” triển khai chưa được 6 tháng. Chỉ huy trận đánh khi đó là Đại tá Tư lệnh Nguyễn Hữu An (khi mất là trung tướng nghỉ hưu) và Đại tá Chính ủy Đặng Vũ Hiệp (nay là Thượng tướng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN). |