“Sư Thiếu Lâm cần tiền để làm gì?”

(NLĐO) – Một quan chức tỉnh Hà Nam- Trung Quốc lập luận rằng ngôi chùa Thiếu Lâm 1.500 năm tuổi cần tiền để làm gì, sau khi ngôi chùa này đâm đơn kiện Ban quản lý khu Danh lam Thắng cảnh Songshan vì không chia sẻ doanh thu kiếm được cho nhà chùa.

Trụ trì chùa Thiếu Lâm Shi Yongxin. Ảnh: SCMP
Trụ trì chùa Thiếu Lâm Shi Yongxin. Ảnh: SCMP

Chùa Thiếu Lâm, cái nôi võ thuật nổi tiếng của Trung Quốc, hồi tháng 11 năm ngoái, đâm đơn kiện Ban quản lý khu Danh lam Thắng cảnh Songshan – đơn vị phụ trách giám sát ngôi chùa – vì không trả 50 triệu nhân dân tệ theo một thỏa thuận chia sẻ doanh thu ký kết giữa 2 bên vào cuối năm 2009.

Thỏa thuận ghi rõ chùa Thiếu Lâm sẽ được hưởng 30/100 nhân dân tệ cho một vé tham quan được bán ra. Doanh thu này sẽ được thanh toán hàng tháng.

Sư trụ trì chùa Shi Yongxin cho rằng tiền bán vé là nguồn thu nhập quan trọng nhất để bảo trì và sửa chữa ngôi chùa 1.500 năm tuổi, thúc đẩy và phát triển văn hóa Thiếu Lâm ở Trung Quốc cũng như nước ngoài, đồng thời chi phí hàng ngày cho các nhà sư.

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức tỉnh Hà Nam lập luận: “Một ngôi chùa Phật giáo cần nhiều tiền để làm gì? Nhà sư thì có thể tiêu bao nhiêu tiền? Có bao giờ họ (công khai) tiền kiểm toán trong khi nhận được rất nhiều tiền quyên góp?”.

Sau khi hòa giải không thành, vụ việc sẽ được mang ra xét xử trong thời gian tới.

Trở thành Di sản thế giới do Unesco công nhận năm 2010, chùa Thiếu Lâm bị chỉ trích những năm gần đây vì thương mại hóa quá mức một thánh địa. Trụ trì Shi cũng bị người dân “mắng vốn” do lãng phí nguồn thu của chùa. Đơn cử như trường hợp năm 2011, ông cho xây dựng hệ thống nhà vệ sinh sang trọng trị giá 430.000 USD.

Trước đó, vào năm 2009, trụ trì chùa Thiếu Lâm cũng phải rút lại kế hoạch đưa ngôi chùa lên sàn chứng khoán để bán cổ phiếu, nhằm thu lời khoảng 1 tỉ nhân dân tệ (147 triệu USD vào thời điểm đó) do vấp phải sự chỉ trích dữ dội.