Tái thiết Iraq (*).- Bechtel đã trúng thầu như thế nào? (Tiếp theo)
Bechtel là tập đoàn hàng đầu ở Mỹ chuyên thầu những công trình phúc lợi công cộng. Có trụ sở chính ở San Francisco, bang California, Bechtel sử dụng 47.000 nhân công làm việc ở 60 nước khác nhau. Gọi Bechtel là tập đoàn tư nhân, ở Mỹ, điều này có nghĩa là Bechtel không niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán. Theo nhật báo Pháp Le Monde, trong nền dân chủ Mỹ, mối quan hệ hữu cơ giữa chính quyền và các công ty nói chung là phổ biến và không có gì là bí mật lắm.
Nhất là khi tập đoàn này hào phóng chi cho các đảng phái chính trị lớn - hầu hết cho Đảng Cộng hòa của TT Bush - hàng triệu USD để vận động bầu cử thì chuyện vay trả cũng không nằm ngoài quy luật “bánh ít đi, bánh quy lại”.
Vì vậy, khi Bechtel trở thành tập đoàn đầu tiên trúng thầu một hợp đồng tái thiết Iraq trị giá 680 triệu USD kéo dài 18 tháng, không mấy ai tỏ ra ngạc nhiên mà chỉ tạo ra những vụ kiện cáo khá ầm ĩ. Nhưng Cơ quan Phát triển kinh tế Mỹ (USAID) - đơn vị chọn Bechtel - đã nêu ra một số lý do để chống đỡ làn sóng chỉ trích trong giới doanh nghiệp Mỹ. Trước hết, theo USAID, Bechtel là một tập đoàn xây dựng hùng mạnh hàng đầu ở Mỹ lại có nhiều kinh nghiệm xây dựng ở Iraq nói riêng và ở Trung Đông nói chung. Thật vậy, hồi thập niên 1980, được sự ưu ái của Ngoại trưởng George Shultz lúc bấy giờ, Bechtel đã trúng thầu xây dựng một đường ống dẫn dầu, thiết kế một nhà máy hóa chất và lọc dầu gần Baghdad. Rồi năm 1991, Bechtel trúng thầu dập tắt các giếng dầu Kuwait bị đốt cháy trong cuộc chiến vùng Vịnh. Bechtel cũng từng xây dựng một nhà máy nấu nhôm ở Bahrain trị giá 1,7 tỉ USD và công trình mở rộng sân bay quốc tế ở Ả Rập Saudi trị giá 1,5 tỉ USD.
Lý do thứ hai mà USAID đưa ra là luật pháp Mỹ quy định USAID chỉ có quyền ký những hợp đồng với các công ty Mỹ. Những công ty này sau đó có thể gọi các nhà thầu phụ là các công ty nước ngoài cùng thực hiện hợp đồng. Tại Iraq vừa qua, liên quân Mỹ - Anh đã đổ nhiều xương máu để thay đổi chính quyền Saddam Hussein, vậy thì việc USAID chọn Bechtel là hợp lý. Vả lại Bechtel đã hứa, ngay trong hợp đồng đầu tiên sửa chữa hệ thống cấp thoát nước và điện trị giá 34,6 triệu USD, sẽ “chia bánh” cho các công ty thầu phụ và sẽ mướn người lao động Iraq thực hiện, giải quyết một phần tình trạng thất nghiệp trầm trọng ở Iraq hiện nay.
Tuy nhiên, USAID không thể giải thích tại sao cuộc đấu thầu tái thiết Iraq với tổng trị giá ước tính từ 25 tỉ USD đến 100 tỉ USD lại được tổ chức một cách bí mật, giới hạn trong 5 công ty mà thôi. Hãng tin Reuters cho biết, ngoài Bechtel còn có Công ty Fluor, Công ty Parsons, Công ty Louis Berger và tập đoàn quốc tế Washington. Có một điều khá lạ lùng là Halliburton, một công ty cũng có thế lực không kém gì Bechtel bởi đương kim Phó TT Dick Cheney từng lãnh đạo nó cách đây không lâu, lại rút lui vào giờ chót.
Cuối cùng, với thế và lực ngầm và nổi, Bechtel đã thắng thầu. Hãy nghe hạ nghị sĩ Ron Wyden, Đảng Dân chủ, bình luận về vụ thầu này: “Bạn theo dõi tiến trình cuộc đấu thầu vừa bí mật vừa có giới hạn và bạn tự hỏi “Tại sao chỉ có một nhúm công ty này được dự thầu? Cuộc đấu thầu đã diễn ra như thế nào? Đây có phải là cách chi tiêu tốt nhất số tiền dân đóng thuế đúng vào thời điểm người cao tuổi không có tiền mua thuốc chữa bệnh, trẻ con không được hưởng thụ một nền giáo dục có chất lượng? Chính quyền không cho người đóng thuế biết tí gì về cách chi xài tiền của họ, cũng không cho họ cái quyền được chia sẻ thông tin”.
Kỳ tới: Các quan lớn đã bao che những sai phạm của Bechtel như thế nào?
(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 5-5-2003