Tạm biệt Tony Blair!

Có thể ngồi ghế thủ tướng đến năm 2010 nhưng ông Tony Blair đã tự nguyện rút lui ở thời điểm tỉ lệ ủng hộ công chúng dành cho ông xuống mức thấp nhất. Sau 10 năm ở số 10 phố Downing, Tony Blair đã để nhiều dấu son thành công không thể phủ nhận, nếu không kể vết nám cuộc chiến Iraq...

Giữa năm 1998, khi đánh giá một năm nắm quyền của Tony Blair, nhiều tờ báo Anh đã khen ngợi thành tích đáng nể của vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử Anh này (nhậm chức khi 43 tuổi, trẻ nhất lịch sử Anh kể từ 1812). Tờ The Economist gọi Blair là “nhà xuất khẩu thành công nhất nước Anh”, ý nói nhờ Blair mà vương quốc Anh ngày càng được thế giới biết đến.

Dấu ấn Tony Blair

“Hiện đại hóa” là khẩu hiệu của Blair. Sau khi trở thành thủ lĩnh Công Đảng năm 1994, Blair tiến hành hàng loạt cải cách. Các chính sách lưu lại từ thời Margaret Thatcher đều bị xóa bỏ. Ông hô hào thanh niên bỏ nhiều thời gian hơn ở bàn phím máy tính. Ông đem lại “năng lượng mới” cho những vùng đất riêng rẽ thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh (Scotland, Wales và Bắc Ireland). Dấu ấn Tony Blair tiếp tục in đậm cho đến khi ông rời số 10 phố Downing, khi không nhà bình luận nào bỏ sót thành tích của ông trong việc tái lập hòa bình với Bắc Ireland. Và điểm cộng đáng kể nữa mà nếu không tính đến sẽ là một thiếu sót: Tony Blair đã đưa Anh hòa nhập nhanh vào làn sóng toàn cầu, với những chính sách thích ứng toàn cầu bỏ xa Mỹ và Pháp.

Với lịch sử chính trị Anh, thành tích đóng dấu ấn của Tony Blair là mang lại sự tái chiếm vũ đài chính trị cho Công Đảng bắt đầu từ cuộc tổng tuyển cử 1997 (Blair chính thức ngồi ghế thủ tướng nhiệm kỳ I vào ngày 2-5-1997), giúp khép lại 18 năm vàng son của đảng bảo thủ. Trước khi tuyên bố từ chức (10-5-2007), Blair là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Công Đảng và là người duy nhất đưa Công Đảng thắng ba trận liên tiếp ở ba kỳ bầu cử.

Trên chính trường thế giới, Tony Blair cũng tạo nhiều thiện cảm, đặc biệt trong Liên hiệp châu Âu. Tháng 3-1998, Blair trở thành vị thủ tướng Anh đầu tiên xuất hiện tại Quốc hội Pháp (tràng vỗ tay đã bùng lên khi ông nói lưu loát từ đầu tới cuối bằng tiếng Pháp). Uy tín chính trị thế giới của Tony Blair vẫn ở vị trí cao, đặc biệt với Mỹ, vài năm gần đây. Tháng 7-2003, Quốc hội Mỹ trao Huân chương vàng Quốc hội Hoa Kỳ cho Blair. Từ khi George Washington nhận lần đầu tiên năm 1776, huân chương danh giá nhất của Quốc hội Mỹ chỉ được trao 134 lần, cho những nhân vật sáng chói như Ulysses S. Grant, Winston Churchill, Mẹ Teresa...

Cuộc thăm dò do tờ Guardian thực hiện công bố ngày 10-5-2007 cho thấy 60% cử tri Anh tin rằng Blair sẽ được nhớ đến như một động lực thay đổi và cuộc thăm dò Viện Nghiên cứu ICM (Institute of Credit Management) cho biết 44% cử tri Anh tin rằng Blair tốt cho nước Anh. Tuy nhiên, thang điểm tổng quát cho vai trò và trách nhiệm Blair đối với nước Anh đã giảm nghiêm trọng.

Vết nám Iraq

Tháng 9-1997, tỉ lệ công chúng ủng hộ Blair đạt 75%. Khi ông sắp rời Phủ Thủ tướng, tỉ lệ trên còn 28%. Các con số thống kê trên không mâu thuẫn, cho thấy rằng người Anh hài lòng Blair ở đa số “gạch đầu dòng” trong nghị sự chung nhưng bất mãn sâu sắc ở vấn đề đơn lẻ Iraq. Như nhà viết tiểu sử Tony Blair, John Rentoul, nhận xét: “Các thủ tướng đều bị xử một bản án nào đó trong sử sách. Trong trường hợp Tony Blair, bản án trên sẽ là cuộc chiến Iraq” (7/10 người Anh tin rằng vụ Iraq đã làm hoen ố sự nghiệp Blair).

Có thể nhận định rằng vụ Iraq (gây thiệt hại 8 tỉ USD cho ngân sách Anh tính đến thời điểm này) là chủ trương “theo đuôi Mỹ” như nhiều ý kiến phê bình. Nhưng trong thực tế, việc can thiệp bằng quân sự là chính sách đối ngoại của Blair, ngay từ thời gian đầu tại nhiệm. Ông từng nhấn mạnh đến giải pháp can thiệp quân sự để chấm dứt tình hình khủng hoảng Kosovo năm 1999. Một năm sau, ông đưa lính Anh đến Sierra Leone. Và trừ vụ Iraq, không phải chính sách London lúc nào cũng là bản copy từ Washington. Đối lập Tổng thống Mỹ George W. Bush, Tony Blair kêu gọi các nước công nghiệp tuân thủ Nghị định thư Kyoto (giảm chất thải công nghiệp gây ảnh hưởng môi trường). Chính phủ Công Đảng cũng tăng gấp đôi ngân sách viện trợ nhân đạo nước ngoài kể từ 1997. Tại cuộc họp thượng đỉnh G8 ở Gleneagles (Scotland) 2005, ông được đánh giá cao với mức độ ủng hộ tuyệt đối khi kêu gọi xóa 100% nợ cho châu Phi, đồng thời tăng viện trợ nhân đạo toàn cầu lên 50 tỉ USD/năm vào trước năm 2010.

Dù thế nào, đúng là vụ Iraq đã làm lu mờ nhiều thành tích Tony Blair. Đáng tiếc hơn là Tony Blair hoàn toàn có thể tránh được thảm họa, nếu ông muốn. Một số sử gia, chẳng hạn như Ian Kershaw, giáo sư sử hiện đại Đại học Sheffield, đã so sánh vụ đưa quân đến Ai Cập chiếm kênh đào Suez của Thủ tướng Anh Anthony Eden với việc Tony Blair ủng hộ Mỹ dùng “nắm đấm quân sự” lật đổ Saddam Hussein. Nhưng có người cho rằng đó là một so sánh khiên cưỡng. Gần hai năm tại nhiệm (1955-1957) của Anthony Eden với thảm họa Suez nhấn chìm danh dự và làm triệt tiêu uy thế “đế quốc” của Anh (không khác mấy so với bi kịch đại bại Điện Biên Phủ của Pháp) không thể so với 10 năm của Tony Blair với thất bại Iraq.

Và dù đó là thất bại lớn nhất đối với Blair trong chính sách đối ngoại nhưng trong thực tế nó chỉ làm suy giảm uy tín cá nhân Blair hơn là thật sự đem lại tổn thất nghiêm trọng, khiến có thể gây ảnh hưởng xáo trộn tổng thể chính sách kinh tế vĩ mô cũng như cán cân đối ngoại (như tại Mỹ, đối với Bush).

Thành tích kinh tế

So với Mỹ và người anh em Pháp trong Liên hiệp châu Âu, kinh tế Anh vững hơn trong kỷ nguyên Tony Blair. Kinh tế Anh hiện đứng thứ 5 thế giới (tỉ lệ tăng trưởng 2007 dự báo đạt 3%); giá trị đồng bảng đang ở điểm “vượng” nhất trong hơn một thập niên; tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh; chính sách tài trợ cho y tế quốc gia tăng gần gấp ba; bệnh viện có nhiều y tá-bác sĩ hơn; danh sách bệnh nhân chờ phẫu thuật giảm (từ hai năm xuống còn 18 tuần); ngân sách cho giáo dục tăng gấp đôi; tỉ lệ tội phạm giảm 44% kể từ 1995.

Chính phủ ông Blair cũng đối thoại cởi mở hơn với cộng đồng Hồi giáo. Ít nhất tốt hơn gấp nhiều lần so với chính sách Hồi giáo của Jacques Chirac tại Pháp. Chủ nghĩa cực hữu tồn tại ở nhiều quốc gia châu Âu nhưng gần như không hiện diện tại Anh. Chính sách phúc lợi xã hội cũng “thăng hoa” thời Tony Blair, so với bất kỳ chính phủ tiền nhiệm nào. Một số thay đổi quan trọng gồm kéo dài thời gian nghỉ hưởng lương (từ 18 tuần lên 39 tuần) cho sản phụ, áp dụng từ tháng 4-2007 (chồng cũng được nghỉ hai tuần hưởng lương khi vợ sinh).

Tất nhiên cũng tồn đọng vài mục tiêu mà Blair “bắn trượt”, chẳng hạn chính sách giảm hiệu ứng nhà kính. Năm 1997, Blair tuyên bố giảm 20% CO2 vào trước năm 2010 cũng như tạo ra 10% điện năng tận dụng từ nguồn nhiên liệu tái sinh. Đến nay, cả hai mục tiêu đều chưa đạt được, trong khi Blair lại đưa ra thêm hai mục tiêu tham vọng hơn: giảm 60% CO2 vào trước năm 2050 và tạo ra 20% năng lượng từ nhiên liệu tái sinh. Trong khi đó, nhiều phi trường Anh đang trong dự án mở rộng trong bối cảnh chính sách giao thông (giảm xe cá nhân, tăng hệ thống giao thông công cộng...) gần như thất bại khiến nước Anh tiếp tục sống trong không khí ô nhiễm.