Tâm sự một người mẫu của Versace
Ngày 15-7-1997, nhà thiết kế thời trang Gianni Versace lừng danh của Ý đã bị bắn chết trước thềm nhà riêng ở Miami Beach, bang Florida, Mỹ, hưởng dương 50 tuổi. Nghi can sát thủ: Andrew Cunanan, một gã giết người hàng loạt, sau đó đã tự tử
Kate Hatch, cựu người mẫu quốc tế từng làm việc cho hãng Versace, quả quyết rằng Gianni Versace đã bị mafia giết. Vài ngày sau vụ án mạng kinh hoàng này, bà vạch trần trên tờ The Spectator một thế giới thời trang đầy những hiểm họa.
Hành quyết kiểu mafia
Bà viết: Nghe Gianni bị bắn vào đầu chết thảm, tôi thảng thốt quay sang người bạn đồng hành bật ra hai từ: Mafia! Mặc dù Andrew Cunanan, một gã đồng tính và giết người hàng loạt, là nghi can chính, tôi nghĩ rằng cảnh sát Florida sẽ điều tra theo hướng mafia ra lệnh giết chết Gianni Versace. Hai viên đạn bắn vào đầu là dấu hiệu hành quyết kiểu mafia. Trên xác Gianni có một con chim chết. Đây cũng là một dấu hiệu truyền thống của mafia với ý nghĩa: “Ngươi nói quá nhiều”.
Tôi đã làm người mẫu ở Milan trên 10 năm. Ai cũng cho rằng người mẫu “ngốc nghếch” nhưng quả có những thứ làm chúng tôi phải giả đò ngốc nghếch và đui mù. Một trong những thứ đó là mafia.
Năm 18 tuổi, tôi không hề biết tại sao các tổ chức mafia quan tâm đến ngành kinh doanh thời trang. Tôi chỉ biết rằng khi tôi làm việc ở Ý, tôi chỉ nhận được 50% lương. Công ty nhận 20% hoa hồng, còn 30% sở thuế lấy. Khi tôi thắc mắc thì đại diện người Ý của tôi giữ im lặng và tỏ ra bối rối trước hành động hỗn láo của tôi. Những đại diện người Anh và Pháp khuyên tôi nên bỏ qua chuyện đó đi nếu không muốn mất việc.
Đầu thập niên 1990, việc kinh doanh của Công ty Versace gặp rắc rối trong chiến dịch “Mani pulite” (Bàn tay sạch) chống tham nhũng của Chính phủ Ý. Em trai, đồng thời là đối tác kinh doanh của Gianni, bị bắt về tội hối lộ thanh tra thuế. Nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong ngành thời trang cũng bị khởi tố về tội trốn thuế, trong đó có “kỳ phùng địch thủ” của Gianni Versace là Giorgio Armani. Ông này thừa nhận công khai rằng phải trả tiền cho mafia nếu muốn làm ăn ngon lành ở Milan. Bằng không chỉ có nước đóng cửa tiệm!
![]() |
Nghi can Andrew Cunanan |
Năm ngoái, Versace thuê Frank Monte, một điều tra viên tư nhân, làm việc cho mình. Ông này cũng tin rằng Gianni bị một kẻ giết mướn chuyên nghiệp giết, còn Cunanan vô tội. Theo Monte, trước khi bị ám sát, Gianni có tâm sự rằng ông sợ ngành thời trang rơi vào tay các tổ chức mafia. Chúng lợi dụng ngành kinh doanh này để rửa những đồng tiền dơ bẩn thu được từ các phi vụ buôn lậu ma túy.
Tôi thường trình diễn thời trang Versace trên sàn diễn và các tạp chí thời trang hào nhoáng. Thời trang là những cô gái đẹp thơm tho duyên dáng trong những bộ váy kiêu kỳ và ma túy cũng là một phần của khung cảnh đó. Nó tồn tại trong hầu hết những buổi dạ tiệc cuối tuần do các công ty người mẫu tổ chức. Ở đó, tràn ngập rượu mạnh, tình dục và ma túy.
Hiểm họa ma túy
Theo những người ăn dầm nằm dề trong thế giới thời trang, có nhiều nơi như New York cũng đầy rẫy ma túy. Những người đại diện cho người mẫu thường xuyên biệt phái “bác sĩ” chích một liều thuốc khỏe lên tay người mẫu. Có như thế các cô mới đạt “phong độ” cần thiết. Ma túy được ưa chuộng nhất hiện giờ là cocaine.
Người đầu tiên đề nghị tôi nếm mùi cocaine là một đại diện người mẫu ở Paris. Lúc đó tôi mới vào nghề, còn trẻ (18 tuổi) và rất ngây thơ. Tôi vừa chụp ảnh xong cho tạp chí Vogue của Anh. Hắn muốn dụ dỗ tôi bỏ công ty thời trang mà tôi yêu thích về đầu quân cho công ty của hắn.
Khuyến khích người mẫu chơi ma túy để trở thành nô lệ của người đại diện là một phương pháp phổ biến để ràng buộc lòng trung thành của các cô gái chân dài. Điều đó làm cho tôi hốt hoảng. Tôi điện cho Jose Fonseca thuộc Công ty Models One ở London. Tôi nói tôi không muốn rơi vào vực thẳm và muốn trở về nhà ngay. Jose khuyên tôi nên ngẩng cao đầu, tiếp tục làm việc và tránh ra ngoài khi màn đêm buông xuống. Đó là một lời khuyên đáng lưu ý và tôi đã nghe theo.
Sau đó tôi đi diễn sô ở New York cùng với một người mẫu Anh. Hóa ra đại diện của cô này cũng là gã ở Paris từng dụ dỗ tôi. Hắn biết cô này nghiện ma túy và đang hái ra tiền. Thế là hắn liên tục cung cấp cocaine cho cô gái.
Tôi chưa bao giờ kể những chuyện như thế cho những người ở ngoài cuộc hoặc ngoài ngành kinh doanh thời trang cao cấp. Nếu tôi làm như thế, người ngoài cuộc tưởng tôi từng nghiện ngập ma túy, còn người trong nghề thì không hoan nghênh tiếng nói phản kháng của một người mẫu Anh mà họ cho là giả bộ đoan trang.
Cô người mẫu Anh mà tôi gặp ở New York hiện nay sống phần lớn thời gian trong các bệnh viện cai nghiện. Trong khi đó, gã đại diện của cô trở thành một trong những người thành đạt trong thế giới thời trang quốc tế. Hắn tậu được nhiều ngôi nhà đẹp và hoành tráng ở nhiều nước khác nhau. Hắn sở hữu nhiều bạn gái đẹp tuyệt trần và ăn khách trong thế giới thời trang chừng nào còn chịu để hắn “săn sóc một cách trìu mến”.
Khi tôi kháng cự lại những chiếc vòi bạch tuộc của hắn thì tiếng tăm người mẫu của tôi cũng bị thui chột theo. Rõ ràng có nhiều người không muốn đối mặt với mặt trái của ngành công nghiệp thời trang.
Tôi không rõ tại sao Gianni Versace bị giết. Frank Monte cho rằng Gianni bị thủ tiêu vì ông dọa tiết lộ các mánh khóe rửa tiền của mafia. Cũng có thể do mau chóng trở thành một quyền lực mới trong thế giới thời trang mà ông nghĩ rằng có thể thoát khỏi nanh vuốt bọn mafia ở Milan.
Tôi cho rằng sẽ không bao giờ có đủ bằng chứng để kết luận bản chất của vụ giết chết Gianni Versace. Rằng những trò ma mãnh trong ngành công nghiệp thời trang vẫn tiếp tục tồn tại như trước.
Thời trang là tưởng tượng và người nằm mơ được sống trong nghề không muốn tỉnh giấc.