Tâm thư xúc động của một người Nhật về thảm họa

(NLĐO) - “Mọi người nói về thảm họa động đất sóng thần hôm 11-3 như thể nó là ngày tận thế nhưng không phải đâu!”, câu nói đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa từ chính một người con từng xả thân vì nước Nhật.

BBC đăng tải một bài tâm sự của một thanh niên Nhật Bản có tên Mariko Oi, trong đó chất chứa những cảm xúc khiến ai cũng không khỏi rung động và khơi gợi những suy nghĩ đáng học tập. Nguyên văn bài viết như sau:
 
img
Hơn 10.00 ngôi nhà bị phá hủy ở Kesennuma
 
Một ngày nóng nực như bao ngày mùa hè khác. Đã gần 4 tháng đi qua kể từ khi sóng thần cuốn qua cảng Kesennuma ở tỉnh Miyagi.

Chỉ riêng ở thành phố cảng này, gần 1.000 người đã chết và 400 người đã mất tích. Hơn 10.000 ngôi nhà bị phá hủy. Khắp nơi vẫn chưa hết những đống đổ nát. Ruồi muỗi kéo tới vì mùi “hấp dẫn” của những xác cá đang phân hủy.

Chúng tôi tới gần trường trung học Shishiori, nơi hàng trăm người vẫn đang trú tạm. Trường học vẫn hoạt động như thường lệ. Những cô nữ sinh chơi bóng chày ở nơi từng là một chiếc sân thể thao rất lớn của trường. Tuy nhiên, phần lớn ngôi trường đã được biến thành nơi ở tạm của nhiều người mất nhà.

Khi thấy chúng tôi, mọi người mừng rỡ cất tiếng chào "Tooi tokoro gokuroh sama" và hỏi han: “Cảm ơn đã tới thăm chúng ôi. Chắc các cháu phải mệt lắm sau một chặng đường xa như thế”.

Một bà cụ đưa cho tôi một chai nước tăng lực. Cụ khiến tôi nghĩ đến người bà quá cố của mình, người từng sống chẳng dư dả gì với số lương hưu ít ỏi nhưng vẫn luôn dành được tiền cho tôi tiêu vặt.

Trước khi đến đây, tôi đã rất lo lắng vì nghĩ rằng có thể họ có thể thấy phiền khi tôi đến nhưng rồi tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe các cụ chia sẻ rằng họ rất vui vì lại được thấy những khuôn mặt trẻ trung.

Kesennuma và các thành phố khác trong khu vực đều có dân số rất già. Điều đó có nghĩa là dù có đến trung tâm thành phố hay ở khu trú tạm này, gặp được người ở độ tuổi thanh niên như tôi là rất hiếm.

Nhưng tôi đến đây và đã gặp họ. Họ chính là những người trẻ tình nguyện từ mọi miền trên nước Nhật. Sinh ra và trưởng thành trên đất nước mặt trời mọc, thế hệ chúng tôi thường bị chỉ trích là quá ích kỷ và đang đánh mất tinh thần yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau đáng quý của cha ông. Tuy nhiên, thảm họa lần này chừng mực nào đó đã cứu rỗi chúng tôi, chứng tỏ rằng chúng tôi vẫn còn cơ hội. Vô số các bạn trẻ ở độ tuổi 20, 30 đã xông pha tới những nơi khó khăn giúp tiếp tế thức ăn và dọn đống đổ nát.

Chẳng hạn trường hợp Masashi Ito, 34 tuổi, đã quyết định sống luôn tại khu trú tạm này để mát-xa miễn phí cho mọi người. Theo sự chia sẻ của người đàn ông này, thảm họa kinh hoàng 11-3 đã thay đổi cuộc đời anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, Masashi Ito có thể dễ dàng kiếm được một công việc tốt trong nước nhưng vì không muốn trở thành thương gia nên anh đã dành 12 năm du lịch khắp nơi, khám phá thế giới. Anh đã không nghĩ tới nước Nhật của mình cho tới khi trận động đất sóng thần lịch sử xảy ra.
 
“Tôi muốn làm một điều gì đó cho đất nước mình. Tôi chưa từng tưởng tượng ra cảnh đất nước giàu có đầy kiêu hãnh của mình lại có ngày trên bờ vực thảm họa nhân đạo” - Masashi Ito chia sẻ.

Tôi vẫn còn nhớ như in về một người tôi từng gặp, ông Nobutsugu Shimizu – 85 tuổi, chủ tịch một tập đoàn nổi tiếng ở Tokyo. Ông đã từng xin xả thân thực hiện sứ mệnh hôm 1-9-1945 hồi thế chiến 2. Tuy nhiên, thật may mắn, thế chiến 2 kết thúc hồi giữa tháng 8 nên ông vẫn sống sót.

Ông Shimizu nói với tôi: “Mọi người nói về thảm họa động đất sóng thần hôm 11-3 như thể nó là ngày tận thế nhưng không phải đâu!”.