Tập đoàn thuốc lá Mỹ và vụ án 280 tỉ USD
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng các nghiên cứu khoa học về tác hại của nicotine đã bị một số tập đoàn thuốc lá giấu nhẹm, phá hủy hoặc phớt lờ, nhằm tiếp tục “giữ nguồn lợi nhuận trên sức khỏe quần chúng”
Công nghiệp thuốc lá Mỹ sẽ phải đối mặt một thử thách lớn chưa từng có trong phiên tòa vào tháng tới với khoản tiền mà bên nguyên là Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu bồi thường lên đến 280 tỉ USD, vì đã lừa gạt người dân Mỹ về những hiểm họa của thuốc lá đối với sức khỏe của họ trong 50 năm qua. Những bí ẩn của công nghiệp thuốc lá đã được Hollywood làm thành phim The Insider (tạm dịch Người trong cuộc) từng được đề cử giải Oscar với 2 ngôi sao Al Pacino và Russell Crowe. Khi đó, người đứng đầu nghiên cứu của tập đoàn Brown & Williamson, British American Tobacco (BAT) tại chi nhánh của Mỹ trước đây, Jeffrey Wigand, tiết lộ rằng các tập đoàn thuốc lá biết nicotine là chất gây nghiện và các chất phụ gia có thể gây ung thư. Tiết lộ này được nhà báo Mỹ Lowell Bergman công bố trong một loạt bài điều tra và sau đó gây cảm hứng cho bộ phim The Insider hình thành. Lời chứng của ông Wigand khiến một thỏa thuận được tiến hành, theo đó, các tập đoàn thuốc lá phải bỏ ra 206 tỉ USD cho 46 bang của Mỹ để điều trị cho những người mắc bệnh vì hút thuốc.
Ngày 13-9 tới đây, phần tiếp theo của thỏa thuận nói trên sẽ được đưa ra tòa án liên bang ở Washington trong vụ kiện kéo dài đã 5 năm. Ngoài BAT, các tập đoàn phải ra tòa là Philip Morris, R J Reynols, Lorillard and Liggett của các nhãn hiệu thuốc lá nổi tiếng như Marlboro, Lucky Strike, Pall Mall và Camel. Các tập đoàn này bị cáo buộc âm mưu cố tình lừa dối công chúng bằng một thỏa thuận trong cuộc họp tại khách sạn Plaza ở New York vào tháng 1-1954. Cựu Tổng thống (TT) Bill Clinton đã bắt đầu hành động vào năm 1999, cho tiến hành vụ kiện nhằm lấy bớt lợi nhuận trước đây của các tập đoàn này bù vào chi phí chữa bệnh cho những người hút thuốc. Số người chết vì hút thuốc lá tại Mỹ hằng năm là 400.000 người và người đóng thuế Mỹ mỗi năm phải bỏ ra 20 tỉ USD để trị bệnh cho người hút thuốc. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó là Janet Reno cho rằng trong 5 thập niên qua các tập đoàn thuốc lá đã hợp tác với nhau “hành xử bất chấp sự thật, bất chấp luật pháp, bất chấp sức khỏe và sinh mạng của người dân Mỹ”.
Khi TT George W. Bush chấp chính hồi đầu năm 2001, các tập đoàn thuốc lá hy vọng vụ kiện sẽ bị dập tắt vì nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng hòa phản đối vụ kiện này. Ngân sách dành cho vụ kiện từ 1,8 triệu USD năm 1999 đã lên đến 23,25 triệu USD vào năm 2001. Cổ phiếu của ngành thuốc lá cũng tăng do dự báo là chính quyền TT Bush vốn thân thiện với ngành thuốc lá có thể bỏ qua vụ này. Tuy nhiên trước sự ngạc nhiên của các tập đoàn này và công luận, TT Bush đã tiếp tục vụ kiện với chi phí lên đến 29,8 triệu USD trong năm nay. Trong các phiên tòa sơ thẩm, BAT theo ý kiến cố vấn của công ty luật Lovells, lấy cớ giữ bí mật nội bộ, không chịu đưa ra hồ sơ nội bộ nhạy cảm, có thể phơi bày sự gian dối của mình, và bị thẩm phán Gladys Kesler phê phán “cách hành xử không thể tha thứ”.
Về phiên tòa sắp tới, một nhà phân tích nhận định rằng 280 tỉ USD là một số tiền lớn trong việc kiện cáo và quan trọng hơn, việc thắng thua là công luận chú tâm vào phiên tòa này một cách phẫn nộ và uy tín của BAT có thể sụp đổ. BAT cũng đã bỏ ra nhiều triệu USD để vận động pháp lý trong khi các nhà vận động chống thuốc lá đã đặt chỗ trong phiên tòa có thể kéo dài khoảng 6 tháng này. Ian Willmore, thuộc Tổ chức Hành động chống thuốc lá vì sức khỏe, nhận định: “Phiên tòa này rất quan trọng vì nó phơi bày ruột gan của các tập đoàn thuốc lá. Họ có chủ tâm sản xuất và bán các sản phẩm giết người tiêu dùng do đó họ mới giữ bí mật nội bộ trong việc trao đổi các thông tin mật trong nghiên cứu khoa học”.