Thách thức và kỳ vọng
Cuộc tổng tuyển cử ngày 3-7 tại Thái Lan đã định hình lại bức tranh chính trị bị rạn nứt của vương quốc có truyền thống bất ổn do hậu quả cạnh tranh phe phái. Cuộc bầu cử lần đầu tiên sau 2 năm bạo lực được coi là bước đi có ý nghĩa quan trọng để định hướng tương lai đất nước
Đông đảo cử tri Thái Lan đặt nhiều kỳ vọng ở Đảng Puea Thai thắng cử với trọng trách trên vai bà Yingluck Shinawatra, thủ tướng tương lai, phải thực hiện những cam kết trong vận động bầu cử là làm dịu tình trạng bất ổn xã hội, hòa giải dân tộc và phục hồi kinh tế.
Cuộc bầu cử ở Thái Lan không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri trong nước mà cả dư luận khu vực Đông Nam Á. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các đảng phái Thái Lan “kiềm chế, tránh có bất kỳ hành động quá khích nào trước, trong và sau bầu cử và tôn trọng ý nguyện của người dân thông qua lá phiếu của mình”.

Bà Yingluck Shinawatra đối mặt với cả thách thức và kỳ vọng. Ảnh: Bangkok Post
Trong bối cảnh bất ổn chính trị và chia rẽ xã hội kéo dài chưa có dấu hiệu sớm lắng dịu, việc thành lập chính phủ liên hiệp 6 đảng do Đảng Puea Thai cầm đầu đang là một thách thức quá lớn đối với bà Yingluck.
Là một nữ doanh nhân tương đối trẻ (44 tuổi), chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị, bà đang phải đối diện với rất nhiều áp lực và sóng gió chính trị từ nhiều phía.
Theo báo Bangkok Post, các chuyên gia chính trị Thái Lan cho rằng sức ép lớn nhất đối với bà Yingluck là thoát khỏi cái bóng quá lớn của anh bà là cựu thủ tướng Thaksin, để không bị các đối thủ chính trị chỉ trích là “nhân bản”, “bản sao”, thậm chí là “con rối” của anh!
Bà Yingluck đã được cảnh báo sự thay đổi liên tục tới 5 đời thủ tướng trong 5 năm qua kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ phải sống lưu vong ở nước ngoài, báo trước những thách thức không dễ vượt qua trong tương lai. Tuy nhiên, bà rất tự tin vì được thừa hưởng từ người anh sự ủng hộ của đông đảo cử tri ở nông thôn.
Một thách thức tiềm ẩn đối với bà Yingluck khiến dư luận lo ngại là quan hệ giữa Đảng Puea Thai với giới quân sự trong bối cảnh quân đội Thái Lan đầy quyền lực vẫn là ẩn số lớn nhất trong xã hội bị chia rẽ sâu sắc.
Thách thức này được ví như “quả bom nổ chậm” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Quân đội luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống chính trị kể từ khi Thái Lan thành lập chế độ quân chủ lập hiến năm 1932.
Từ đó đến nay, họ đã gây ra 18 cuộc đảo chính thành công và không thành công với cuộc chính biến gần đây nhất là lật đổ cựu thủ tướng Thaksin hồi tháng 9-2006.
Do tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi cho Đảng Puea Thai, trước mắt, phe quân đội Thái Lan đã có quan điểm thực tế.
Sau cuộc bầu cử, tướng Prawit Wongsuwon, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ để cho các chính khách hoạt động, quân đội sẽ không can thiệp. Người dân đã nói rõ nguyện vọng của mình qua lá phiếu.
Quân đội không thể làm điều gì khác”. Báo mạng Post Today online viết: “Mối tương quan giữa quân đội và Đảng Puea Thai sẽ là điểm nhấn quyết định tương lai của chính phủ mới”.
Giới chính trị Thái Lan đang đặt câu hỏi: Liệu chính phủ của bà Yingluck có thi hành chính sách ân xá chính trị để tạo điều kiện cho anh bà trở về nước hay không?
Xã luận tờ Bangkok Post ngày 4-7 đã trả lời câu hỏi này: “Không nên lẫn lộn khái niệm hòa giải với ân xá. Thực hiện lệnh ân xá không phải là vấn đề lợi ích sống còn. Vấn đề ưu tiên hiện nay là khôi phục ổn định xã hội và phục hồi kinh tế. Đã đến lúc người Thái phải tự hòa giải”.