Thái Lan – Campuchia “hài lòng” vụ đền Preah Vihear

(NLĐO) - Sau khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tuyên bố khu vực quanh đền cổ Preah Vihear thuộc về Campuchia ngày 11-11, nước này và Thái Lan đều tỏ ra hài lòng.

Tại The Hague (Hà Lan), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong bày tỏ "hài lòng" dù thừa nhận phán quyết của ICJ có thể chưa đáp ứng 100% mong muốn của Campuchia. Nhiều quan chức và học giả Campuchia cũng nói rằng phán quyết của tòa là "công bằng và thỏa đáng".

Về phía Thái Lan, tuy bị buộc rút quân khỏi khu vực nhưng Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng tuyên bố "hài lòng". Bà cho rằng phán quyết này phần nào "có lợi" cho Thái Lan vì ICJ đã không xem xét khiếu nại của Campuchia về vùng đất có diện tích 4,6 km² bao quanh ngôi đền cổ Preah Vihear và nằm giữa đường biên giới Thái Lan-Campuchia. Thay vào đó, ICJ đề nghị Thái Lan và Campuchia hợp tác để giải quyết tất cả các tranh chấp giữa hai nước.

img
Tình hình biên giới Thái Lan - Campuchia vẫn yên tĩnh. Ảnh: Reuters

Theo bà Yingluck, sau phán quyết của ICJ, Thái Lan và Campuchia sẽ cùng trông coi đền Preah Vihear và các khu vực phụ cận thông qua sự giúp đỡ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Dư luận lo ngại phán quyết của ICJ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia song theo chỉ huy đơn vị quân đội Campuchia đóng tại Preah Vihear, khu vực biên giới hai nước vẫn yên tĩnh.

Tuy vậy, phán quyết này vẫn có thể gây khó khăn cho bà Yingluck trong thời điểm khó khăn hiện nay. Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) đã tuyên bố không công nhận phán quyết. “Chính phủ muốn bán đất nước và lãnh thổ. Người Thái tin vào công lý nhưng sao chúng ta phải tuân theo phán quyết của tòa án quốc tế” – ông Chamlong Srimuang, một lãnh đạo của PAD chất vấn trước khi phán quyết được tuyên.
 
PAD nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều nhân vật thân hoàng gia vốn có liên hệ mật thiết với những tướng lĩnh quân đội đã lật đổ ông Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck, năm 2006.