Thái Lan: Điều 44 gây tranh cãi

Chính quyền quân sự Thái Lan hôm 1-4 tuyên bố gỡ bỏ thiết quân luật vốn duy trì từ trước khi xảy ra cuộc đảo chính cách đây 10 tháng.

Tuy vậy, một biện pháp an ninh đặc biệt được đưa ra thay thế, cho phép quân đội duy trì quyền lực trên diện rộng.

Theo thông báo phát trên truyền hình, biện pháp trên chính là điều 44 trong Hiến pháp tạm thời của Thái Lan, cho phép các lực lượng an ninh tiếp tục tiến hành các vụ bắt giữ không cần lệnh của tòa án cũng như tạm giữ người mà không cần đưa ra tội danh.

Mặc dù Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trấn an rằng sẽ sử dụng điều 44 “một cách xây dựng” nhưng các nhóm nhân quyền, đảng chính trị và học giả vẫn lo ngại. Họ cho rằng điều luật này trao cho Thủ tướng Prayuth quyền lực không giới hạn, bao trùm cả hành pháp, lập pháp và tư pháp.

 

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha Ảnh: EPA
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha Ảnh: EPA

 

Mỹ - đồng minh lớn của Thái Lan - hoan nghênh việc dỡ bỏ thiết quân luật nhưng bày tỏ lo ngại điều 44 sẽ không giúp bảo đảm quyền tự do ngôn luận và hội họp hòa bình. Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cảnh báo Thái Lan có thể “rơi sâu vào chế độ độc tài”.

Học giả Thái Lan Pavin Chachavalpongpun nói với đài CNN rằng gỡ bỏ thiết quân luật và thay bằng điều 44 thực ra chỉ là “bình mới rượu cũ”. “Điều 44 còn tệ hơn thiết quân luật vì nó trao toàn bộ quyền lực cho Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO)” - ông Chachavalpongpun nhận xét.

Tuy nhiên, Reuters nhận định việc gỡ bỏ thiết quân luật sẽ là tin vui đối với các nhà điều hành du lịch Thái Lan, lĩnh vực đóng góp gần 10% GDP của nước này.