Thái Lan: Nhức nhối nạn nô lệ trên tàu cá

Hàng ngàn lao động nhập cư đang kiếm sống trong ngành công nghiệp đánh cá tại Thái Lan, trong đó không ít người trở thành nô lệ thời hiện đại.

Cách đây 6 năm, ông Samart Senasook được một kẻ môi giới tên Vee khuyên nhủ từ bỏ công việc bảo vệ tại Bangkok - Thái Lan để lên một chiếc thuyền đánh cá với mức lương hứa hẹn.

Nhưng thay cho hợp đồng làm việc 1 năm, ông Senasook phải làm quần quật suốt 20 giờ/ngày trong khoảng thời gian từ năm 2009-2015, thường xuyên bị chủ thuyền đánh đập, hăm dọa và không cho ngủ. Chủ thuyền giữ chứng minh của tất cả thuyền viên để cầm tù họ.  

Ngư dân này tiết lộ thêm bạn bè ông nhiều người bỏ xác tại Indonesia, trên mộ còn ghi sai tên. Nỗi kinh hoàng này chỉ chấm dứt vào tháng rồi sau khi tàu cá bị nhà chức trách Indonesia bắt giữ vì nghi đánh bắt trái phép, còn ông và các thành viên khác bị tạm giữ tại đảo Ambon.

 

Một lao động nhập cư trên tàu cá Thái Lan Ảnh: ENVIRONMENTAL JUSTICE FOUNDATION
Một lao động nhập cư trên tàu cá Thái Lan Ảnh: ENVIRONMENTAL JUSTICE FOUNDATION

 

Chính phủ Thái Lan ước tính có 145.000 lao động trong ngành đánh cá của mình, gồm 80% người di cư từ Myanmar, Campuchia và Lào. Trong khi đó, tổ chức nhân quyền Raks Thai nói hơn 200.000 người nhập cư trái phép đang làm việc trên các tàu cá ở nước này.

Nhiều biện pháp mới đã được ban hành nhằm đối phó với tình trạng “nô lệ” trên tàu cá, như tàu thuyền hơn 30 tấn phải trang bị hệ thống giám sát điện tử (VMS) khi hoạt động bên ngoài lãnh hải Thái Lan. Ngoài ra, chủ tàu cá còn buộc phải đăng ký những thông tin như thành phần thủy thủ đoàn, nơi đánh bắt… trước khi tàu rời cảng và sau khi trở về.