Thành lập AFTA: Thuận lợi và khó khăn

Mục tiêu của các nước ASEAN thành lập khu vực mậu dịch tự do (AFTA) để có một thị trường chung vào năm 2020 đang được thực hiện từng bước nhưng còn nhiều khó khăn

Dự án AFTA của 10 nước ASEAN có 3 mốc thời gian phải thực hiện do có khó khăn vì trình độ phát triển chênh lệch và không đồng đều giữa 2 nhóm nước phát triển và chậm phát triển. Mốc thời gian thứ nhất là 2010: Các nước Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Thái Lan (ASEAN 6) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu để thực hiện chế độ “thuế suất 0”. Mốc thứ 2 là 2015 dành cho 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar (ASEAN 4). Mốc thứ 3 là 2020 đạt mục tiêu thành lập một khối cộng đồng kinh tế ASEAN kiểu Liên hiệp châu Âu (EU).

Một người phát ngôn Bộ Thương mại Singapore cho biết, vấn đề hòa nhập kinh tế để thực hiện mục tiêu AFTA đã được bàn tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 38 tại Vientiane, Lào.

Tiến trình thành lập AFTA, một thị trường khu vực có 550 triệu dân với tổng mức GDP 1.000 tỉ USD, bắt đầu từ năm 1993 với những bước đi khác nhau đối với từng nhóm nước. ASEAN 6 giảm thuế suất trong danh mục hàng nhập khẩu còn không quá 5% từ năm 2003. VN thực hiện mức giảm 0%-5% từ năm 2006, Lào thực hiện từ năm 2008, Myanmar và Campuchia thực hiện từ năm 2010.

Một quan chức Bộ Thương mại Thái Lan nói: “Không chút nghi ngờ, Thái Lan rất được lợi nhờ có AFTA”. Thật vậy, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang các nước ASEAN năm 2004 đạt 21,25 tỉ USD so với 6,56 tỉ USD năm 1993. ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan.

Các nhà phân tích nói ASEAN còn rất nhiều thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu của AFTA, đặc biệt là việc dỡ bỏ các loại hàng rào bảo hộ mậu dịch đối với một số mặt hàng “nhạy cảm” của từng nước.

Tuy nhiên, lợi thế của ASEAN là không nhỏ. Ernest Bower, cựu chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, nói: “ASEAN có cơ hội lớn là một khối thương mại lớn và quan trọng. Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển nhanh, nhưng tiến trình họ cạnh tranh thu hút khách hàng của ASEAN không thực sự nghiêm trọng đối với sự hòa nhập kinh tế của cả khối”.

Một số nước ASEAN đã tìm cách bảo vệ một số ngành công nghiệp của mình theo quy định của AFTA cho phép tạm thời chưa giảm thuế. Với Malaysia, đó là ngành ô tô. Với Philippines là ngành hóa dầu. Bộ Thương mại Singapore đã tiến hành đàm phán song phương với Manila về vấn đề này và đã giải quyết ổn thỏa. Với Indonesia, là 2 ngành lúa gạo và đường. Imam Pambagyo, người phát ngôn Bộ Thương mại Indonesia, nói đây là 2 ngành thuộc loại “nhạy cảm” của kinh tế đất nước, chưa thể đưa vào danh mục cắt giảm thuế. Vì vậy Indonesia xin 10 – 15 năm nữa mới thực hiện giảm thuế. Ông Pambagyo nói: “Nhiệm vụ này thật là khó khăn đối với Indonesia vì gạo và đường liên quan đến vấn đề an ninh lương thực của chúng tôi. Trước hết, chúng tôi cần bảo đảm chắc chắn nông dân chúng tôi có được thế cạnh tranh ở khu vực, sau đó là toàn cầu”.

Việt Nam yêu cầu được hoãn thời gian mở cửa thị trường phụ tùng ô tô và xe tải loại nhẹ vì khu vực kinh tế này cần được bảo hộ, tương tự như gạo và đường của Indonesia cũng như ngành ô tô của Malaysia.

Những nước khác cũng có thể yêu cầu bảo hộ một số ngành sản xuất của họ khi thời hạn cắt giảm thuế từ 0% – 5% đang đến gần.