Thành phố chụp ảnh cưới
Thames Town là một thị trấn vệ tinh trong dự án “1 đô thị, 9 trấn” của thành phố Thượng Hải. Khánh thành năm 2006, nó là một trong những “đô thị ma” nổi tiếng ở Trung Quốc
Dự án “1 đô thị, 9 trấn” trị giá 5 tỉ nhân dân tệ được chính quyền Thượng Hải triển khai từ năm 2001 nhằm giảm bớt mật độ dân cư (3.600 người/m2 - 23 triệu dân). Ý tưởng độc đáo của Ủy ban Kế hoạch Thượng Hải khi xây dựng dự án này là chỉ cần bước ra khỏi thành phố vài chục km là có thể đắm mình trong một thị trấn độc đáo của nước ngoài.
Bảo tàng kiến trúc quốc tế
Lý Khải, một chuyên gia của ủy ban, giải thích: “Thu hút người dân ở nội đô ra ngoại ô rất khó khăn. Chúng tôi xây dựng những thị trấn mang phong cách kiến trúc nước ngoài nhằm tạo một lối sống và bầu không khí khác lạ không thể tìm thấy ở nội đô”.
Ngoài một trấn mang phong cách Trung Hoa cổ kính và một trấn sinh thái mang tên Lâm Cương, 7 trấn còn lại của dự án bao gồm các nước Anh (Thames Town), Thụy Điển, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Hà Lan và Đức. Nhà cửa ở mỗi trấn mang phong cách kiến trúc đặc trưng của từng nước vừa kể. Hà Khánh, giám đốc Công ty địa ốc Hằng Hà Thượng Hải, nhận định dự án nói trên nhằm làm cho Thượng Hải nổi danh là nhà “bảo tàng kiến trúc quốc tế”.
Thames Town là trấn đầu tiên hoàn thành cách đây 6 năm, nằm bên bờ sông Dương Tử. Tám trấn khác đang xây dựng dở dang. cách nội đô Thượng Hải 30 km, Thames Town là phiên bản của một thị trấn bên bờ sông Thames nước Anh được bê nguyên xi sang quận Tùng Giang, Thượng Hải.
Theo nguyên mẫu, trấn Thames Town được quy hoạch như một trung tâm giáo dục, công nghệ và mua sắm hiện đại, bao gồm 9 trường đại học đủ sức chứa 100.000 sinh viên và công nhân viên, nhiều nhà máy công nghệ cao và một trong những cửa hàng mua sắm lớn nhất thế giới.
Trấn có 8.000 căn hộ và biệt thự có giá từ 525.000 USD đến 650.000 USD, quá cao đối với đa số người Thượng Hải, theo Thời báo Toàn cầu. Tuy nhiên, theo Công ty Địa ốc Hằng Hà, 96% căn hộ và biệt thự đã có người mua.
Thị trấn không người
Thế nhưng, chỉ có 30% trong số đó có người ở mà đa số không ở thường xuyên. Họ chỉ ở trong 2 ngày nghỉ cuối tuần. 66% còn lại là mua đi bán lại bởi giá cả đã tăng gấp 2 lần, theo quảng cáo của Công ty Hằng Hà. Đây là một trong những lý do khiến Thames Town trở thành “đô thị ma” từ 6 năm nay.

Một góc phố Thames Town. Ảnh: EPA
Dưới tựa đề “1 thị, 9 trấn, 0 người”, phóng viên Phạm Nghĩa Anh của nhật báo Thời báo Toàn cầu miêu tả Thames Town như sau:
“Thames Town được người ta biết đến nhiều nhất trong 9 trấn với những con đường lát đá sỏi, những ca-bin điện thoại màu đỏ chót và những ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc thời vua Edward VII của Anh. Nhưng thị trấn này thiếu yếu tố quan trọng nhất: con người. Những người duy nhất mà tôi gặp là mấy tay phó nhòm chuyên chụp và quay phim đám cưới và đôi ba cặp vợ chồng sắp cưới.
“Tôi đã từng đi thăm trấn này hồi năm ngoái, nay trở lại, tôi thấy có rất ít thay đổi. Một nơi thư giãn cuối tuần thú vị của người Thượng Hải nhưng thường trú ở đây là một chuyện khác. Ngay cả người địa phương cũng gọi nó là “đô thị ma”.
“Các nhà hàng ăn uống ở Thames Town không hoạt động. Chỉ có một quán cà phê mở cửa với vài người khách. Từ trung tâm Thượng Hải đến đây mất khoảng 2 giờ đi tàu điện ngầm và taxi. Vậy mà rất khó tìm chỗ ăn trưa, ăn tối hay mua sắm. Chợ ẩm thực hay siêu thị có cũng như không”.
Hủy hoại văn hóa truyền thống
Thames Town chỉ thu hút được khách du lịch và những cặp vợ chồng sắp cưới. Cô Hedy Hứa, 26 tuổi, từng sống ở châu Âu, nói: “Nhìn hình ảnh Thames Town trên mạng tôi đã thấy thích. Đến đây, tôi càng thấy thích hơn vì nó thật hơn. Kiến trúc Anh và quang cảnh ở đây làm tôi nhớ lại quãng đời sinh sống ở London. Lần tới, tôi sẽ đi thăm các thị trấn mang phong cách nước ngoài khác”.

Rất nhiều người đến thị trấn để chụp ảnh cưới. Ảnh: Spiegel
Một cư dân Thames Town chia sẻ niềm hạnh phúc: “Sống ở đây như sống ở nước ngoài nhưng mình vẫn ở Trung Quốc và mọi người nói tiếng Trung Quốc”.
Cô Lưu Nghĩa Hàn, 20 tuổi và người chồng sắp cưới đến Thames Town để chụp hình và quay phim trong bộ áo cưới lộng lẫy: “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi”. Khắp nơi trong thành phố có rất nhiều cặp vợ chồng sắp cưới như cô Lưu đến đây để có những tập album ảnh cưới để đời. Bởi vậy, Thames Town cũng được gọi là thành phố chụp ảnh cưới.
Trung Quốc từ lâu đã có những khu dân cư mang phong cách kiến trúc nước ngoài. Thành phố Nam Kinh từng xây dựng khu nhà dưỡng lão kiểu Bali của Indonesia và làng biệt thự kiểu Ý. Ở Hàng Châu có khu Venice (Ý) và Zurich (Thụy Sĩ). Nhưng chỉ có Thượng Hải mới có “nhà bảo tàng kiến trúc quốc tế” như ông giám đốc Công ty Địa ốc Hằng Hà nhận xét.
Quy mô của dự án khiến một số nhà văn hóa lo ngại nếu thành phố nào cũng có những sáng kiến như thế thì xu hướng này sớm muộn gì cũng hủy hoại nền văn hóa truyền thống Trung Quốc.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-3
Kỳ tới: “đô thị ma” ở Côn Minh