Thế giới kỳ bí của Viện Hàn lâm Pháp

Không viện hàn lâm nào trên thế giới giống Viện Hàn lâm Pháp với những câu chuyện và đặc tính không giống ai! 40 viện sĩ ở đây thường bị chỉ trích và chịu đủ lời lẽ cay nghiệt. Nhà văn Alphonse Daudet từng gọi các viện sĩ là những lão già “lụ khụ, suy nhược, với bàn chân nặng như chì và đôi chân yếu đuối, cặp mắt thì hấp háy như động vật sống về đêm”

Theo The Catholic Ency Tclopedia, Viện Hàn lâm Pháp (VHLP) được Hồng y De Richelieu thành lập năm 1635, từng bị cấm hoạt động trong cuộc Cách mạng Pháp nhưng sau đó được hoàng đế Napoleon Bonaparte phục hồi năm 1803. VHLP có 40 thành viên và thành viên mới chỉ được chọn vào bởi quá trình bình chọn từ thành viên cũ.

Về nguyên tắc, ghế thành viên VHLP có giá trị suốt đời và chỉ bị truất bỏ khi thành viên kém đức hạnh. Trong 361 năm qua, tổng cộng có 22 thành viên đã bị đẩy khỏi VHLP, trong tổng số 708 thành viên, trong đó có  trường hợp của viện sĩ Augerde Moléon de Granier bị trục xuất bởi tội... ăn trộm (năm 1638).

Nổi tiếng chưa chắc được vào

Dù hầu hết thành viên VHLP đều thuộc thành phần văn chương thi phú nhưng có không ít chính trị gia, luật sư, khoa học gia, triết gia và chức sắc giáo hội Công giáo cũng có mặt. Có 5 nguyên thủ quốc gia từng ngồi ghế VHLP (Adolphe Thiers, Raymond Poincaré, Paul Deschanel, Philippe Pétain và Valéry Giscard d’Estaing) và có cả một nguyên thủ nước ngoài (Léopold Sédar Senghor của Senegal). Tuy nhiên, có không ít gương mặt văn hào hoặc triết gia lừng danh chưa từng ngồi ghế VHLP, trong đó có Honoré de Balzac, René Descartes,Gustave Flaubert, Marcel Proust, Molière, Émile Zola...

Nhiệm vụ chính của VHLP là bảo vệ Pháp ngữ. Muốn dùng tiếng Pháp sao cho “đẹp”, nhất thiết phải tuân thủ quy định VHLP,  được cụ thể hóa trong bộ từ điển Dictionnaire de l’Académie française.

img
Tổng thống Pháp Jacques Chirac (thứ ba từ trái sang) tiếp hai thành viên Viện Hàn lâm Pháp – Assia Djebar và Yves Pouliquen (ngồi hai bên)

Tính đến nay, VHLP đã hoàn chỉnh 8 ấn bản từ điển Pháp ngữ, ấn hành năm 1694, 1718, 1740, 1762, 1798, 1835, 1878 và 1935; hiện tiếp tục soạn phiên bản thứ 9 – tập một, từ A đến Enzyme, xuất hiện năm 1992; và tập hai, từ Éocène đến Mappemonde, phát hành năm 2000 (một tiến trình cực kỳ chậm, so với 7 năm làm việc để cho ra đời 616.500 từ với 20 tập của bộ từ điển tiếng Anh Oxford bản gần đây). Nhiệm vụ khác nữa của VHLP là đánh giá và trao giải thưởng hằng năm (văn chương, sân khấu, điện ảnh, lịch sử và dịch thuật). Và giải quan trọng nhất vẫn là Grand prix de la francophonie (thành lập năm 1986) nhằm tôn vinh việc bảo tồn và phát triển Pháp ngữ.

Trong suốt chiều dài lịch sử, không ít lần VHLP trở thành tâm điểm của chỉ trích. Tuy nhiên, VHLP vẫn là một đền thờ mà người Pháp nào cũng muốn đặt chân vào. Triết gia Voltaire biết rõ vua Louis XV và giáo hội không sủng ái nhưng rất muốn có chân trong VHLP nên ông đã viết những vần thơ đẹp như trăng rằm ca tụng đức vua vĩ đại. Thậm chí, ông còn chối chưa hề... viết Lettres Philosophiques, vốn là một tác phẩm phê bình nước Pháp dữ dội của ông. Cuối cùng, lần cố gắng thứ ba mới đem lại thành công cho Voltaire vào năm 1746.

Đại văn hào Victor Hugo cũng mở chiến dịch “tranh cử” để vào VHLP năm 1834, khi 32 tuổi. Nhiều người không ưa ông tố cáo ông đã áp dụng thủ thuật nịnh nọt tất cả viện sĩ để mong được vào VHLP. Sau 4 lần thất bại, năm 1841 Hugo mới toại nguyện. Trong khi đó, triết gia và nhà bác học Descartes không nằm trong danh sách đề cử bởi ông sống ởThụy Điển. Nhà bác học kiêm nhà văn, nhà triết học Blaise Pascal nằm ngoài lề vì “mới chỉ là”... nhà toán học. Kịch tác gia Molière cũng không được lưu ý vì không tuân theo điều kiện bỏ kịch nghệ. Còn đại văn hào Honoré de Balzac bị khước từ với lý do không rõ ràng, hình như có liên quan đến vụ bê bối tài chính nào đó.

Ai cũng muốn làm viện sĩ

Bao nhiêu người Pháp muốn vào VHLP? Jean Dutourd - tác giả 57 quyển sách, đồng thời là cây bút báo chí, viện sĩ từ năm 1978 - cho biết: “Chỉ khoảng 60 triệu người Pháp thôi! Đó là biểu hiện của tính khoa trương, một trong những động cơ mạnh nhất trong mỗi con người, đặc biệt ở Pháp, miền đất của hư danh”.

Không phải thành viên VHLP nào cũng đều là thiên tài như nhiều người lầm tưởng. Dutourd từng kiểm tra 689 viện sĩ làm việc từ khi VHLP được thành lập xem có bao nhiêu nhân vật thật sự xuất chúng. Đáp số khá khiêm tốn: 68 người (gần 10%)!

Dù thiên tài hay không, công việc của các viện sĩ cũng được giới hạn từ khi Đức Hồng y Richelieu ban điều lệnh năm 1635: “Phải làm việc với tất cả sự cẩn thận và tính cần mẫn trong khả năng có thể, nhằm tạo ra các quy luật nghiêm khắc cho ngôn ngữ của chúng ta và nhằm làm cho nó trở nên thuần khiết, hùng hồn, để có thể giải quyết được sự phức tạp trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của VHLP là soạn các bộ từ điển. Một hội đồng gồm những nhà từ điển học thực hiện công việc đầu tiên là định nghĩa từ; một hội đồng khác nhỏ hơn gồm một số viện sĩ kiểm tra kết quả rồi lập bản danh sách từ vựng trình lên trong một phiên họp đầy đủ để được chuẩn y. Từ mới chỉ được chấp thuận khi thông qua đại đa số phiếu, giống như người ta bỏ phiếu thông qua một bộ luật.

Viện sĩ còn được các trường đại học mời giảng dạy hay thuyết trình về đề tài gì đó. Mỗi năm, các viện sĩ còn bận rộn với việc bầu chọn thành viên mới để thay cho hai viện sĩ quađời (tính trung bình). Ứng cử viên phải viết thư gửi đến mỗi viện sĩ bày tỏ ý nguyện chân thành muốn đến tư thất thăm viện sĩ đó.