Thế và lực của Servier
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Breton số ra tháng 1-2011, bác sĩ Irène Frachon - người tố cáo thuốc Mediator gây chết người - tiếp tục tố giác mối quan hệ đáng ngờ giữa Servier, chính khách và cộng đồng y khoa
Bà Frachon cho biết trong quá trình điều tra sự nguy hiểm của thuốc Mediator, bà bị chính quyền nghi ngờ và một số giáo sư - tiến sĩ về tim miệt thị vì bà chỉ là một bác sĩ tỉnh lẻ. Bà khẳng định trong vụ án Mediator này, “xung đột lợi ích giữa nhà sản xuất, giới bác sĩ và chính quyền là chuyện rõ như ban ngày”.
Xì-căng-đan y tế lớn
Nói cách khác, theo tạp chí Marianne, Tập đoàn Servier rất biết cách tạo ra thế và lực thông qua các mối quan hệ khăng khít với cộng đồng khoa học, cụ thể là giới bác sĩ và các quan chức nhà nước liên quan đến ngành y tế, công nghiệp dược phẩm.
Nhật báo Libération cho biết ông Jacques Servier bình thường không xem trọng chính khách nhưng ông thừa biết trong làm ăn không thể không dựa vào họ. Ông áp dụng quan điểm này vào công tác tuyển dụng nhân sự cao cấp. Bà Madeleine Dubois là một ví dụ.
Bà Dubois là một người thân cận của ông Jacques Barrot, bộ trưởng Bộ Y tế Pháp năm 1980. Ông Servier thu nhận bà Dubois vào vị trí giám đốc truyền thông của tập đoàn.
Khi ông Barrot rời khỏi Bộ Y tế để làm bộ trưởng Bộ Xã hội (1995-1997), bà Dubois về làm chánh văn phòng của bộ nhưng vẫn giữ mối quan hệ với tập đoàn để rồi sau đó trở lại giữ chức giám đốc ngoại vụ của tập đoàn. Servier có nhiều nhân vật như bà Dubois. Về sau, họ trở thành những chính khách có thế lực trong ngành y tế.
Mediator là một sản phẩm chủ lực của tập đoàn từ năm 1976, năm nó được tung ra thị trường Pháp. Trong 33 năm qua, nó đã góp phần đưa ông chủ Tập đoàn Servier lên hàng thứ 9 trong số những người giàu nhất nước Pháp và Servier trở thành tập đoàn lớn thứ hai của Pháp.

Một nạn nhân của Mediator sau khi dùng thuốc này một năm. Ảnh: T.E
Được coi là thuốc đặc trị bệnh tiểu đường tuýp 2 dành cho người thừa cân, Mediator cũng nổi tiếng là thuốc làm ốm bán rất chạy. Năm triệu người ở Pháp đã sử dụng nó. Nhưng Mediator cũng là một sát thủ “âm thầm” không bị phát hiện cho đến thời điểm tháng 11-2009.
Theo điều tra mới đây của Quỹ Quốc gia bảo hiểm bệnh tật, Mediator đã làm ít nhất 500 bệnh nhân tử vong, 1.750 bệnh nhân phải phẫu thuật tim và 3.500 người nhập viện cấp cứu.
Điều tra cũng cho biết số người chết sau khi dùng Mediator có thể lên đến 2.000 trường hợp. Đây là những con số kinh khủng, một xì-căng-đan y tế thật sự bởi vì trong hơn 30 năm qua, đã có những lời cảnh báo rằng thuốc có vấn đề nhưng tất cả đều bị các cơ quan chức năng bỏ ngoài tai.
Những cảnh báo vô vọng
Theo tờ Libération, lời cảnh báo đầu tiên đến từ bác sĩ Georges Chiche, một chuyên gia về tim có uy tín ở thành phố Marseille hồi cuối thập niên 1990. Một bệnh nhân của ông sau khi dùng thuốc Mediator bị nhồi máu cơ tim vì van tim bị tổn thương.
Chiche đã gửi một hồ sơ khá dày về trường hợp kỳ lạ này cho Trung tâm Chống độc và Cơ quan An ninh y tế Pháp, trong đó, ông lưu ý rằng Benfluorex, hoạt chất chính trong Mediator, tác hại như hoạt chất Fenfluramine có trong thuốc làm ốm Isomeride, cũng của Servier bị cấm bán hồi năm 1997. Kết quả, ông nhận được thư báo “đã nhận được công văn”, rồi hết.
Vài tuần sau, một đại diện của tập đoàn đến nhà mắng ông “hồ đồ” vì đã đưa ra những nhận định “bâng quơ”. Chưa hết, ông Chiche còn bị phó thị trưởng Marseille, vốn là giáo sư dạy trường y từng nghiên cứu một loại thuốc khác ở Tập đoàn Servier, triệu tập lên văn phòng thị trưởng để quở trách “đụng Servier làm gì”.
Năm 2003, sau khi một tạp chí về tim nêu trường hợp một bệnh nhân nữ ở Madrid, 50 tuổi, sau khi dùng thuốc Modulator (tên khác của Mediator ở Tây Ban Nha) 12 tháng đã bị suy tim trầm trọng, Tập đoàn Servier tự nguyện rút thuốc Modulator ra khỏi thị trường.
Năm 2005, đến lượt Ý cũng cấm bán thuốc này. Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa sự kiện này vào danh sách thuốc bị cấm bán nhưng các cơ quan y tế Pháp phản ứng lạnh nhạt.
Tháng 4-2006, theo phát hiện của tờ Le canard Enchainé, Ủy ban Minh bạch của Cơ quan Tối cao y tế Pháp nhận được một tài liệu 3 trang xác định chất Benfluorex “có tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt đối với tim”.

Bà Martine Aubry và ông Bernard Kouchner. Ảnh: AFP
Một tháng sau, ủy ban chính thức tuyên bố: “Thuốc không đem lại lợi ích cho y tế công cộng” nhưng lờ đi tính độc hại của nó. Mediator vẫn được lưu hành và được bảo hiểm y tế tiếp tục hoàn phí 65%.
Mãi đến tháng 11-2009, AFSSAPS – cơ quan cấp phép an toàn vệ sinh dược phẩm – mới chính thức cấm bán Mediator ở Pháp. Tại thời điểm này, hơn 300.000 bệnh nhân đã lỡ dùng Mediator hết sức lo lắng và nhờ luật sư tư vấn khiếu kiện Tập đoàn Servier đòi bồi thường thiệt hại.
Không biết là có lỗi
Ngày 18-11-2010, đã có 2 bệnh nhân ở Nanterre chính thức nộp đơn kiện tập đoàn. Trong khi đó, những chính khách từng phụ trách ngành y tế Pháp đồng loạt tuyên bố “không biết, không nghe gì”.
Ngày 27-12-2010, ông Dominique de Villepin, thủ tướng Pháp từ năm 2005 đến 2007, khẳng định trên đài RTL rằng hồi đó ông chưa nghe ai nói về chuyện Mediator.
Trước đó, ngày 20-12-2010, David Assouline, phụ trách truyền thông của Đảng Xã hội, cũng cho biết bà Martine Aubry và ông Bernard Kouchner, hai chính khách của đảng phụ trách mảng xã hội và y tế, lúc đương nhiệm cũng “không nhận được thông tin về tính độc hại của Mediator”.
Một nghị sĩ Đảng UMP cầm quyền, giáo sư Bernard Debré, không hài lòng với những tuyên bố trên. Ông nói: “Trong chính trị, nói không biết là có lỗi. Đáng lẽ quý vị phải nói “Vâng, đó là lỗi của tôi vì không nắm được vấn đề”.