Thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc thời nay

Mục tiêu của Trung Quốc (TQ) trong giai đoạn hiện nay là xây dựng một xã hội khá giả. Đời sống khá giả đang làm nảy sinh thị hiếu tiêu dùng khác hẳn trước đây

Công ty tư vấn của nước ngoài AC Nielsen hoạt động tại TQ đã làm một cuộc điều tra thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng tại 27 thành phố của TQ để phân loại thị hiếu và sức mua của từng nhóm cư dân. Cuộc nghiên cứu và điều tra của AC Nielsen đã chia ra 5 loại người tiêu dùng ở các đô thị TQ có thị hiếu và thời gian mua sắm khác nhau tùy theo mức thu nhập, địa vị xã hội, trình độ học vấn và nếp sống của họ.

Loại 1: Thích chơi trội, mạo hiểm, chuộng cái mới, chạy theo mốt, toàn mua sắm những tiện nghi và đồ dùng hiện đại, chất lượng cao.

Loại 2: Những người “cùng hội cùng thuyền”, có chung sở thích sắm hàng có chất lượng cao, có nhãn mác nổi tiếng.

Loại 3: Thận trọng lựa chọn chất lượng tương đương với giá trị hàng hóa theo phương châm “tiền nào của nấy”.

Loại 4: Dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo.

Loại 5: Thích mẫu mã mới nhưng không phân biệt hàng nội hay hàng ngoại.

Kết quả điều tra tại ba thành phố quan trọng nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu cho thấy số người có thị hiếu thuộc loại 3 và 4 chiếm đông nhất với tỉ lệ 27% và 26%, loại 2 có 22%, loại 1 có 14% và loại 5 có 10%. Ông Alistar Watts, giám đốc điều hành Công ty AC Nielsen, nhận xét rằng người tiêu dùng TQ ngày càng sống hiện đại hơn, nhất là tầng lớp có thu nhập cao, giá cả không là mối quan tâm hàng đầu nữa. Loại người tiêu dùng thứ 3 hiện nay chiếm đông nhất với quan niệm “giá càng đắt, chất lượng càng tốt”, sẵn sàng mua giá cao để có hàng “xịn” mang nhãn mác nổi tiếng. Nhưng họ rất thực tế, sẵn sàng chờ giá hạ mới mua hoặc chờ những cuộc khuyến mãi.

Việc chiều theo thị hiếu của từng loại khách hàng là rất quan trọng. Ví dụ, hãng điện thoại di động Motorola đã chiếm thị phần lớn nhất tại TQ trong 3 năm qua vì đã áp dụng chiến lược tiếp thị 5 loại điện thoại khác nhau theo thị hiếu của 5 loại khách hàng nói trên. Nhưng trừ 3 thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, tại các “thành phố loại 2” nhiều mặt hàng chỉ phù hợp với thị hiếu và túi tiền của khách hàng loại 4 và 5, nên chiến lược tiếp thị cũng phải khác mới phù hợp với thực tế. Ngay cả 3 thành phố giàu nhất cũng có sự khác nhau về thị hiếu mua sắm. Người Thượng Hải thích chạy theo mốt, người Quảng Châu coi trọng ăn hơn mặc, người Bắc Kinh ưa thích nghiêm túc mẫu mực vì là dân thủ đô.

Về thành phần xã hội, 5 loại khách hàng TQ có sự khác nhau rõ rệt. Loại 1 gồm lớp trẻ còn độc thân, đa số là nữ, trình độ học vấn cao, có nghề chuyên môn “lao động cổ trắng”, có sở thích theo mốt những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Cô Lý Minh, 28 tuổi, chuyên viên tư vấn đầu tư thuộc loại này. Cô có mức lương tháng 20.000 nhân dân tệ (NDT - 36 triệu đồng VN), riêng khoản chi cho ăn và mặc là 3.000 NDT/tháng. Loại 2 có tỉ lệ nam nữ như nhau, còn trẻ tuổi, có trình độ học vấn cao, hầu hết là “lao động cổ trắng”, nhà chuyên môn, nhà doanh nghiệp, có thu nhập cao. Đặc điểm chung là “có máu làm giàu, càng nhanh càng tốt”, thích mua sắm theo các chương trình quảng cáo. Loại 3 là lớp trung niên, nam nữ bằng nhau, trình độ văn hóa thấp, thu nhập thấp và trung bình, thích mua hàng hạ giá, đặc biệt là trong các đợt khuyến mãi “mua một, biếu một”. Loại 4 là tầng lớp trung niên, đa số là “lao động cổ xanh”, học vấn thấp, lương thấp, cho rằng hàng càng được quảng cáo nhiều càng có chất lượng, thích hàng ngoại. Loại 5 gồm những người “lao động cổ xanh”, nhiều người đã nghỉ hưu, thu nhập thấp, không có nhiều tiền gửi tiết kiệm, rất thận trọng khi mua sắm, rất coi trọng mẫu mã hàng hóa.