Tiền trảm hậu tấu

Quyết định công khai chi tiết kỹ thuật tra khảo tù nhân rùng rợn trong các nhà tù bí mật của CIA dưới thời chính quyền ông Bush của Tổng thống Barack Obama là nhằm thúc đẩy nước Mỹ bước sang trang lịch sử mới. Tuy nhiên, động thái này có thể “lợi bất cập hại” cho chính quyền ông Obama

Nhật báo The New York Times ngày 18-4 cho biết các nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng yêu cầu mở một cuộc điều tra sâu rộng về các hoạt động mờ ám của chính quyền ông Bush. Ngày 16-4, được Nhà Trắng bật đèn xanh, Bộ Tư pháp Mỹ đã công khai 4 bản ghi nhớ về kỹ thuật thẩm vấn tàn nhẫn mà CIA (Trung ương tình báo Mỹ) dùng để tra khảo những kẻ tình nghi là khủng bố sau sự kiện 11-9-2001. Đây là những tài liệu mật do văn phòng cố vấn pháp lý của Bộ Tư pháp Mỹ ghi chép từ tháng 8-2002 đến tháng 5-2005 được giữ kín dưới trào ông Bush.


Hiệu ứng Domino

Một vài thành viên của hạ viện và các luật sư về nhân quyền đang thúc ép chính quyền ông Obama công khai thêm những tài liệu mật năm 2002 khi các thẩm vấn viên CIA bắt đầu lấy khẩu cung Abu Zubaydah, một kẻ tình nghi là thành viên của Al-Qaeda bị bắt hồi tháng 3-2002, tức trước khi Bộ Tư pháp Mỹ chính thức phê chuẩn chương trình thẩm vấn tù nhân Al-Qaeda bằng văn bản.


Hạ nghị sĩ John Conyers Jr. thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền, hiện nay là chủ nhiệm Ủy ban tư pháp hạ viện, đã nêu ra khả năng khởi tố các quan chức cao cấp của Nhà Trắng thời ông Bush và các luật gia của bộ tư pháp, những người cho phép thực hiện những biện pháp tra khảo tàn nhẫn.

The American Civil Liberties Union (ACLU) , một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Mỹ, cho biết đã lên kế hoạch thúc ép Bộ Tư pháp công khai những tài liệu mật khác thời ông Bush, kể cả bản báo cáo của tổng thanh tra của CIA trong đó có tiết lộ những chi tiết cho thấy các nhân viên CIA đã hành động vượt thẩm quyền. Jameel Jaffer, một luật gia của ACLU, nhận định rằng sẽ có hiệu ứng Domino và chính quyền Obama sẽ khó mà giữ được những tài liệu mật khác.

img
Giám đốc CIA Leon Panetta


Đương kim Giám đốc CIA, ông Leon E. Panetta, xác nhận rằng trong các cuộc họp gần đây với các quan chức Nhà Trắng, ông đã nhận được nhiều sức ép từ công chúng, từ quốc hội và các tòa án cho nên chắc chắn sẽ có nhiều thông tin khác được công khai trong những ngày tới.

Trong khi chờ đợi, các sĩ quan CIA có thể bị các nhà lập pháp triệu tập đến lưỡng viện quốc hội như nhân chứng trong các phiên thẩm vấn công khai về vai trò của họ và các chiến dịch tra khảo tù nhân.


Hiện nay rất nhiều người muốn biết nhân viên CIA đã thẩm vấn nghi phạm Abu Zubaydah từ tháng 4 đến tháng 8 -2002 như thế nào. Theo báo cáo của chánh thanh tra CIA, các nhân viên FBI (cảnh sát liên bang Mỹ) tham gia chung với CIA các cuộc thẩm vấn những kẻ tình nghi là thành viên Al-Qaeda tại một nhà tù bí mật của CIA ở Thái Lan cho biết nhân viên CIA đã sử dụng những đòn tra khảo dã man mà lúc đó bộ tư pháp Mỹ chưa cho phép bằng văn bản chính thức. Nói cách khác, nhân viên CIA đã “tiền trảm hậu tấu”.


Tất cả những động thái nói trên có thể khiến chính quyền ông Obama bối rối vì ông đã hứa sẽ không truy tố các nhân viên CIA làm bậy hồi thời ông Bush. Đương kim Giám đốc CIA Leon Panetta, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Dennis Blair cũng tuyên bố sẽ không bao giờ điều tra hay truy tố những kẻ thực hành tra tấn.


Tuy nhiên, theo hãng tin AP, Nhà Trắng cũng như Bộ Tư pháp nói rõ họ sẽ không hỗ trợ pháp lý cho cá nhân nào ngoài CIA sử dụng những biện pháp tra khảo gọi là cải tiến. Họ cũng không hỗ trợ pháp lý cho những nhân viên CIA đi quá giới hạn cho phép của 4 bản ghi nhớ pháp lý mà chính quyền ông Obama công bố hôm 16-4.


Tranh cãi gay gắt


Trước khi phổ biến các bản ghi nhớ nói trên, trong nội bộ Nhà Trắng đã trải qua một cuộc tranh cãi gay gắt về việc nên hay không nên công khai những tài liệu mật của Bộ Tư pháp dưới thời ông Bush.


Tổng thống Obama thẳng thắn lên án cái mà ông gọi là “một chương đen tối và đau đớn trong lịch sử chúng ta”. Ông cũng khẳng định rằng sẽ không bao giờ cho phép sử dụng những kỹ thuật tra tấn đó. Tuy vậy, ông cũng chống lại bất cứ điều tra thêm nào vì “chỉ trích quá khứ chỉ tốn thời gian và sức lực mà không được cái gì cả”.

img
Một kiểu hành hạ tù nhân khét tiếng tại nhà tù Abu Graib của Mỹ ở Iraq


Phía chống đối việc công khai các tài liệu mật của Bộ Tư pháp chủ yếu là CIA. Leon Panetta thoạt đầu đã phản đối kế hoạch công bố chi tiết chương trình bí mật của CIA kéo dài suốt thời ông Bush làm tổng thống. Sau khi chống đối vô hiệu, ông tiếp tục yêu cầu xóa bỏ những chi tiết “nhạy cảm”. Tuy nhiên, khi các tài liệu được công khai, được biết ông Obama đã chỉ thị xóa càng ít càng tốt cho thấy ông quyết tâm đoạn tuyệt với cách làm của CIA thời ông Bush.


Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa và các quan chức cao cấp cũ lên án ông Obama giải mật tài liệu của Bộ Tư pháp. Michael Hayden, cựu giám đốc CIA, dưới thời ông Bush, cảnh báo rằng sắp tới các nước đồng minh sẽ không chịu chia sẻ thông tin nhạy cảm với Mỹ.

Ông lập luận rằng: “Từ nay các đối tác nước ngoài không muốn hợp tác với CIA nữa vì việc công bố (tài liệu mật) chứng minh rằng CIA “không thể giữ bí mật”.


Nói chung, quyết định của Tổng thống Obama đều bị cả phe bảo thủ lẫn phe cấp tiến chỉ trích. Phe bảo thủ ủng hộ phương pháp lấy khẩu cung “đặc biệt” của CIA vì điều đó cần để ngăn ngừa những cuộc tấn công khủng bố mới. Trong khi đó, phe cấp tiến - trong đó hăng hái nhất là các tổ chức nhân quyền - cho rằng cần phải trừng trị đích đáng những kẻ tra tấn người dã man chứ không nên bỏ qua như Tổng thống Obama nói.

 

Kỳ tới: 9 chiêu tra tấn hợp pháp