Tiếp tục sa lầy tại Libya?
Các nhà phân tích nhận định mục tiêu của cuộc tấn công sẽ không thành nếu về lâu dài không có lực lượng trên bộ.
(NLĐ)- Liên quân phương Tây đang tấn công Libya, mong muốn lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi chỉ bằng không quân và tên lửa. Nhưng hãng tin Reuters dẫn nhận định chung của nhiều nhà phân tích, điểm lại diễn biến mới đây trong lịch sử, cho rằng các nước tham chiến phải trải qua một cuộc chiến lâu dài và phức tạp.

Cuộc chiến còn nhiều phức tạp
Tại Bosnia và Kosovo, những cuộc không kích nhằm chặn đứng bạo lực sắc tộc chỉ có tác động giới hạn cho đến khi được bổ sung bằng bộ binh hoặc ít nhất là lực lượng gìn giữ hòa bình được vũ trang tốt.
Tiếp theo là các cuộc không tập được lực lượng đặc biệt hậu thuẫn ở Afghanistan cũng chỉ đủ lật đổ chính quyền Taliban; nhưng sau đó, hàng ngàn quân NATO vẫn phải chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy vẫn đang tiếp diễn.
Lần này, cuộc không kích của Anh, Mỹ và Pháp vào lúc thế giới đang chú ý đến tình hình thiên tai ở Nhật Bản nên có ít người nhìn kỹ để nhận định rằng nó rất giống với cuộc chiến chống Iraq hồi năm 2003.

Với nhiều khói lửa, bom đạn
Theo Phó Giám đốc Tổ chức Tư vấn về nguy cơ chính trị Mappecroft Anthny Skinner, ông Gaddafi hiển nhiên phải kéo dài mọi diễn biến để tồn tại và nếu liên quân muốn lật đổ ông này cần phải có bộ binh.
Nhà phân tích George Friedmen, thuộc Tổ chức Stratfor, cũng nhận định rằng mục tiêu lâu dài của cuộc tấn công là thay đổi chế độ. Anh và Pháp từng can thiệp vào nội chiến ở châu Phi như Sierra Leone nhưng họ đứng về phía chính quyền.
Theo ông Fridmand, đứng về phe nổi dậy khó hơn nhiều, tình thế đòi hỏi phải can thiệp sâu hơn để chính quyền của ông Gaddafi sụp đổ.

Nhiều nhận định cho rằng mục tiêu lâu dài của cuộc tấn công là thay đổi chế độ
Các chuyên gia cho rằng phe nổi dậy ở Libya hầu như chưa từng có một bộ tư lệnh đúng nghĩa và thiếu khả năng kiểm soát quyền lực nên họ cần người nước ngoài.
Mặt khác, các nhà chiến lược cho rằng khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi trà trộn vào khu dân cư thì chỉ có bộ binh mới có thể chiến đấu với họ được, không quân khó có thể làm tròn nhiệm vụ.
Nhà phân tích Henry Wilkinson, thuộc Tổ chức Janusian, nói: “Không lực có giới hạn của nó”. Ông cho rằng chỉ có bộ binh mới có thể giành đất, bảo vệ an ninh cho địa phương và thiết lập chính quyền.

Cuộc chiến gây tổn hại cho người dân vô tội
Trong khi đó, tuần báo Mỹ National Journal lưu ý về chi phí không kích Libya, theo đó, ngày đầu tiên ước lượng lên đến 100 triệu USD. Việc duy trì vùng cấm bay - vốn cần có thiết bị quân sự để theo dõi và ứng phó - tốn từ 30 triệu USD đến 100 triệu USD mỗi tuần.
Việc tuần tra trên bầu trời Libya tốn mỗi tuần từ 100 triệu USD đến 300 triệu USD. Đây là một trở lực khác khi kéo dài cuộc chiến.