"Titanic hạt nhân" gây lo ngại

Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga, có tên là Akademik Lomonosov và bị gọi là "Titanic hạt nhân", đã bắt đầu hành trình trên biển đầu tiên bất chấp những lời chỉ trích.

Nhà máy này thực chất là một chiếc tàu mang theo các lò phản ứng hạt nhân. Nó đã được kéo ra khỏi TP St. Petersburg cuối tuần rồi trong hành trình băng qua biển Baltic để đến một căn cứ ở TP Murmansk - Nga.

Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới này sau đó sẽ được nạp nhiên liệu hạt nhân và kéo đến cảng Pevek ở Bắc Cực, nơi nó được đưa vào vận hành vào mùa hè năm 2019. Akademik Lomonosov là dự án của công ty năng lượng hạt nhân Nga Rosatom nhằm cung cấp điện cho những khu vực xa xôi có điều kiện khắc nghiệt ở phía Bắc và Viễn Đông Nga. Rosatom khẳng định Akademik Lomonosov có khả năng cung cấp điện đủ dùng cho một thị trấn 100.000 người.

Titanic hạt nhân gây lo ngại - Ảnh 1.

Akademik Lomonosov là nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới Ảnh: AP

Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường chỉ trích mạnh mẽ dự án này vì cho rằng nó là mối đe dọa lớn đối với môi trường. Giới chức các nước Bắc Âu cũng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra sự cố trên biển liên quan đến Akademik Lomonosov. Bộ trưởng Môi trường Thụy Điển Karolina Skog nhận định nhà máy điện hạt nhân nổi tạo ra "một loại rủi ro mới".

Đáp lại, Rosatom khẳng định đã tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.

"Akademik Lomonosov được thiết kế với mức độ an toàn tuyệt đối và có khả năng vượt qua mọi mối đe dọa. Các lò phản ứng hạt nhân của Akademik Lomonosov có thể chống chọi được sóng thần và những thảm họa thiên nhiên khác" - tuyên bố của Rosatom khẳng định, đồng thời nhấn mạnh quy trình hạt nhân diễn ra bên trong Akademik Lomonosov đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và không đe dọa môi trường.