Tranh cãi về tương lai Tổng thống Assad

Đại diện 17 nước cùng 2 phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc nhóm họp hôm 30-10 để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria tại thủ đô Vienna - Áo.

Trong đó, đáng chú ý là có sự tham gia lần đầu tiên của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Tuy nhiên, cả đại diện chính quyền Damascus cũng như phe đối lập không có mặt.

Số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một trong những vấn đề quan trọng nhất được bàn tới. Ngoài ra, theo báo The New York Times, một thách thức khác mà Mỹ đối mặt là hòa giải Ả Rập Saudi và Iran để mối thâm thù giữa 2 đối thủ lâu đời này không đe dọa kết quả đàm phán.

 


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov

trước hội nghị quốc tế về tình hình Syria ở Vienna – Áo hôm 30-10 Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov

trước hội nghị quốc tế về tình hình Syria ở Vienna – Áo hôm 30-10 Ảnh: Reuters

 

Báo The Wall Street Journal đưa tin chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thay đổi quan điểm về tương lai ông Assad và sẵn sàng chấp nhận nhà lãnh đạo này tại vị trong quá trình chuyển tiếp để thành lập chính phủ mới.

Giới chức Mỹ đã thảo luận với các đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, phương án để ông Assad nắm quyền thêm vài tháng hoặc lâu hơn sau khi ký lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Nhà Trắng nhắc lại lập trường trước sau gì ông Assad vẫn phải ra đi vì không còn tính hợp pháp để lãnh đạo đất nước.

Iran cũng thể hiện sự nhượng bộ khi tỏ ra ủng hộ thời gian chuyển tiếp 6 tháng. “Tehran không khăng khăng đòi ông Assad phải nắm quyền vĩnh viễn” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Amir Abdollahian nói trước cuộc họp. Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố chỉ người dân Syria mới có thể quyết định tương lai của ông Assad.

Nhóm các nước phản đối ông Assad cũng dự định thảo luận vấn đề ngừng bắn, cụ thể là ngừng chiến dịch không kích của Nga tại Syria. Trước đó 1 ngày, bộ tứ Nga, Mỹ, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi danh sách các đại diện của phe đối lập có thể tham gia tiến trình chính trị sau này.