Triều Tiên làm thế giới bật ngửa
Tên lửa được phóng thành công sáng 12-12 buộc thế giới phải nhìn Triều Tiên bằng con mắt khác
Ngày 11-12, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin Triều Tiên tháo tên lửa ra khỏi bệ phóng để sửa chữa. “Đùng một cái”, sáng 12-12, tên lửa Triều Tiên được công nhận phóng thành công. Càng đột ngột hơn khi trước đó, chính Bình Nhưỡng tuyên bố kéo dài thời hạn phóng đến ngày 29-12.
“Có vẻ thành công”

Truyền thông Nhật Bản nghi ngờ Triều Tiên “giương Đông kích Tây”, tháo tên lửa nơi này và phóng từ một vị trí khác. Tờ Asahi dẫn lời ông Haruki Nagata, giáo sư Khoa Không gian và Kỹ thuật môi trường Đại học Hokkaido, nhận xét: “Nếu tin Triều Tiên tháo dỡ tên lửa ngày 11-12 là đúng thì việc phóng tên lửa vào sáng hôm sau là không tưởng”.
Chưa rõ Triều Tiên “lừa” thế giới ra sao nhưng chắc chắn vị thế của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ được củng cố giữa lúc có cảnh báo về những bất ổn nội bộ. Ông Baek Seung-Joo, Viện Phân tích quân sự Hàn Quốc, cho biết vụ phóng đã giúp Bình Nhưỡng chứng minh được quyết tâm “hoàn thiện hệ thống vũ khí hạt nhân”. “Có vẻ Triều Tiên đang cố thuyết phục người dân rằng nước này vẫn vững vàng dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo mới và sẽ không bao giờ sụp đổ” - ông Baek nói.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc ước tính với số tiền hơn 1,3 tỉ USD bỏ ra để thực hiện 2 vụ phóng tên lửa trong năm nay, Bình Nhưỡng có thể mua 4,6 triệu tấn bắp và đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước trong vòng 4-5 năm.
Đe dọa thay đổi cục diện
Nhiều nước lên án Ngày 12-12, Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một loạt nước khác như Anh, Úc, New Zealand, Philippines... đều lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon gọi đây là “hành động khiêu khích” và “vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an”, còn phát ngôn viên Nhà Trắng Tommy Victor đe dọa “hành vi vô trách nhiệm” của Triều Tiên sẽ tự cô lập nước này. Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp vào trưa 12-12 (giờ địa phương), trong đó Mỹ - Nhật - Hàn được cho là sẽ thống nhất kêu gọi tăng trừng phạt Triều Tiên lên ngang mức với Iran. Tuy nhiên, nhiều khả năng kêu gọi này sẽ vấp phải phản đối từ Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên đồng thời giữ quyền phủ quyết. Cùng ngày, Bắc Kinh cũng lên tiếng nhưng chỉ dừng lại ở việc “nhắc nhở” Triều Tiên nên tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc - không được phóng tên lửa có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo - trong lúc “thực hiện quyền khám phá vũ trụ một cách hòa bình như mọi quốc gia khác”. |