Trò chơi quen thuộc

Kế hoạch phóng tên lửa chở vệ tinh của CHDCND Triều Tiên dự định tiến hành trong thời gian từ ngày 10 đến 22-12 đang làm nóng tình hình bán đảo Triều Tiên, khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại hậu quả khó lường của sự kiện này.

Dù hãng tin chính thức KCNA của Bình Nhưỡng liên tục cả quyết việc phóng vệ tinh quan trắc trái đất Kwangmyongsong-3 lên vũ trụ bằng tên lửa Unha-3 là nhằm mục đích hòa bình và nghiên cứu khoa học nhưng dư luận quốc tế không dễ bị thuyết phục.
 
Theo hãng Kyodo, Mỹ cùng 2 đồng minh thân cận Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là “vỏ bọc” cho cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
 
Hãng AP cho biết một số nhà khoa học Mỹ tính toán loại tên lửa này có tầm bay xa 10.000 km, có thể tới thành phố Los Angeles  của Mỹ. Tháng 4 năm nay, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa này nhưng thất bại: Tên lửa chỉ bay được 2 phút rồi rơi xuống Hoàng Hải.
 
Theo giới phân tích, kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên, nếu được thực hiện, “mang ý đồ thách thức” đúng vào thời điểm chuyển giao quyền lực tại 4 trong 6 nước tham gia cuộc “đàm phán 6 bên”  (Trung Quốc - TQ, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên )về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên (khởi đầu năm 2003, gián đoạn từ năm 2009).
 
Đó là Mỹ: Tổng thống  Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ 2 vào đầu năm tới. TQ: Mới hoàn thành chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới sau Đại hội thứ 18 Đảng Cộng sản. Nhật Bản: Tổ chức tổng tuyển cử bầu nội các mới ngày 16-12. Hàn Quốc: Bầu tổng thống mới ngày 19-12.
 
Tạp chí Time (Mỹ) không ngần ngại đặt câu hỏi vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đúng vào dịp kỷ niệm một năm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong-il phải chăng nhằm khẳng định uy thế của Kim Jong-un, nhà lãnh đạo kế nghiệp còn quá trẻ?
 
Trong bài xã luận nhan đề Một trò chơi quen thuộc của Triều Tiên, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông viết: “Các nhà phân tích cảnh báo một trò chơi đắt giá bên miệng hố chiến tranh quốc tế trong khi TQ, đồng minh chủ chốt duy nhất của Bình Nhưỡng, hy vọng các bên liên quan có thể hành động mang tính xây dựng vì sự ổn định của bán đảo Triều Tiên”.

Thấy trước mức độ nguy hiểm của “trò chơi chính trị bên miệng hố chiến tranh” của Bình Nhưỡng, các nước tham gia cuộc “đàm phán 6 bên” đã lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định Triều Tiên phóng vệ tinh là một hành động khiêu khích cao độ, đe dọa hòa bình và an ninh ở khu vực, vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cấm Bình Nhưỡng tiến hành bất cứ vụ phóng vệ tinh nào bằng tên lửa đạn đạo. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Triều Tiên dừng kế hoạch phóng vệ tinh vì vi phạm các chế tài do HĐBA LHQ áp đặt. TQ cũng công khai bày tỏ lo ngại Bình Nhưỡng không nghiêm túc thực hiện các nghị quyết của LHQ.

Theo các hãng tin Kyodo Yonhap, tình hình nghiêm trọng tới mức Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải bố trí lực lượng tên lửa đánh chặn nếu tên lửa Triều Tiên bay qua bầu trời hoặc vệ tinh rơi xuống nước họ.

Hãng AP viết: Biện pháp trừng phạt về kinh tế chắc chắn là “liều thuốc hiệu nghiệm” nhằm răn đe Bình Nhưỡng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young, HĐBA LHQ sẽ xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Triều Tiên không hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh.