Trung Quốc truy quét quan tham

Công dân có thể công khai gửi những khiếu nại cũng như các cáo buộc của mình cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương

Đất nước Trung Quốc (TQ) đang gánh chịu tệ nạn tham nhũng lan rộng. Tính đến cuối năm 2012, TQ được xếp thứ 80/176 quốc gia trong chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Theo đó, TQ được xếp ngang hàng với Serbia và Trinidad & Tobago, đứng trên các nước cùng điểm Burkina Faso, El Salvador, Jamaica, Panama, Peru và tham nhũng hơn Sri Lanka cũng như hầu hết các quốc gia phát triển.

Bắt cả “ruồi” lẫn “hổ”

Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã và đang nhắm đến các cán bộ trong Đảng Cộng sản và giới chức chính phủ mà họ cho là có “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - một cách nói ưa thích ở TQ về tệ nạn tham nhũng. Sau nhiều lần cảnh báo tình trạng tham nhũng tràn lan, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng mà ông hứa sẽ bắt giữ các quan chức ở mọi cấp bậc trong đảng, trong đó cả “hổ” và “ruồi”. Người TQ thích gọi các giới chức cấp thấp bị cáo buộc tham nhũng là “ruồi” trong khi những giới chức cao cấp phạm tội được gọi là “hổ”.

Danh sách các quan chức nhiều tham vọng đã bị đưa ra trừng trị thời gian qua bao gồm Bạc Hy Lai, cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã bị xét xử và hiện đang chờ tòa án kết tội. Thêm vào đó, lưới của chiến dịch truy quét tham nhũng ở TQ cũng đã bắt cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân - bị TAND số 2 ở Bắc Kinh kết án tử hình “treo” - và Lưu Thiết Nam, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia kiêm cục trưởng Năng lượng quốc gia (hàm thứ trưởng).
 
img
Cựu trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Ảnh: REUTERS
 
img
Tưởng Khiết Mẫn, “con hổ” lớn sa lưới chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc.
Ảnh: CHINA ECONOMIC REVIEW

Tuy nhiên, “con hổ” lớn nhất bị sa lưới là Tưởng Khiết Mẫn (58 tuổi), chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản nhà nước (SASAC). Việc loại bỏ ông Tưởng là một tin chấn động bởi ông ta là thành viên Ủy ban Trung ương Đảng và là người quản lý tất cả xí nghiệp quốc doanh tạo ra nhiều lợi tức và việc làm. Đây là đảng viên có chức vụ cao nhất bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhiều người tin rằng ông Tưởng sa lưới chiến dịch chống tham nhũng do vai trò lãnh đạo trước đây ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia TQ, một trong số công ty nằm trong danh sách Fortune-500 ở TQ và là nhà sản xuất dầu mỏ thứ hai trên thế giới sau Exxon Mobil.

Sự kiện ông Tưởng bị cách chức xảy ra sau cuộc điều tra Lý Xuân Thành, cựu phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên và 4 nhân vật hàng đầu trong ngành dầu mỏ. Trong số này có những người là đồng minh của Chu Vĩnh Khang, từng nắm giữ chức vụ cao trong ngành công nghiệp dầu mỏ TQ cũng đang bị điều tra về tham nhũng. Ông Chu từng được mệnh danh là “ông trùm an ninh” khi còn là một thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị cho đến khi được thay thế vào tháng 11-2012.

Sẽ không có vùng cấm

Có lẽ tất cả mọi người dân TQ đều ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng. Ở TQ, người ta ví tham nhũng giống như con chuột vụt chạy qua đường và mọi người đều la toáng lên “Đập chết nó đi”. Tân Hoa Xã xác nhận sự căm giận như trên đối với nạn tham nhũng được phản ánh trong các cuộc thăm dò ý kiến dân chúng gần đây. Theo đó, hối lộ nằm trong số những nỗi bất bình hàng đầu của người dân cùng với tình trạng ô nhiễm và giá cả leo thang.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi đầu cuộc chiến chống hối lộ ngay khi nhậm chức. Ông được dư luận hoan nghênh khi nói quyền lực cần phải đặt trong cũi và được kiểm soát bằng các quy định của hệ thống pháp luật. Đối với tham nhũng, người dân TQ muốn chứng kiến cách đối xử triệt để chứ không phải là làm giảm triệu chứng. Lâu nay, các nhân vật đương nhiệm hoặc là cựu thành viên Thường vụ Bộ Chính trị thường được miễn truy tố. Thế nhưng, theo các chuyên gia, tiền lệ đó có thể bị phá bỏ.

“Đó sẽ là bước ngoặt ngoạn mục nhưng dàn lãnh đạo cao cấp sẽ rất lo lắng” - ông Duncan Innes-Ker, chuyên gia về TQ tại Đơn vị Tình báo kinh tế ở London, nhận xét. Người dân TQ càng phấn khởi hơn khi một website chính thức được mở ra để công dân có thể công khai gửi những khiếu nại cũng như các cáo buộc của mình cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương. Ông Vương Kỳ Sơn, bí thư ủy ban trên, cho rằng các giới chức TQ phải cho phép người dân nói ra nhiều hơn để làm cho chiến dịch chống tham nhũng hiệu quả hơn. Ông nhấn mạnh: “Phải minh bạch và công bố thông tin nhiều hơn cho công chúng và công chúng phải tham gia cũng như giám sát nhiều hơn”.
 

Sức mạnh của truyền thông

Sự bùng nổ những cáo buộc tham nhũng gần đây trên các blog nổi tiếng ở TQ đã vạch ra mức độ sâu xa của vấn đề. Một blog cáo buộc bí thư tại một thị xã nghèo thuộc tỉnh Vân Nam mua 10 ô tô SUV và say sưa với một nhóm phụ nữ khêu gợi; phó thị trưởng một thành phố nhỏ ở tỉnh Quảng Đông bị cách chức sau khi một thuộc cấp tố cáo mối liên hệ của ông ta với một đường dây ma túy địa phương; phó thủ trưởng cơ quan tài nguyên đất của một tỉnh có… 47 cô bồ nhí và nhận hối lộ gần 2,8 tỉ nhân dân tệ. Các phương tiện thông tin đại chúng TQ cũng đã phanh phui cô con gái trong độ tuổi 20 của một giới chức ngành nhà đất ở Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam sở hữu 11 căn hộ, người anh trai 27 tuổi của cô làm chủ 14 căn...

Cựu bí thư Quận ủy Bắc Bội TP Trùng Khánh Lôi Chính Phú đã bị cách chức ngay sau khi một phóng viên điều tra tung lên internet đoạn băng video cho thấy ông ta ngủ với bồ nhí.

 
Kỳ tới: Chống đặc quyền trong quân đội