Vị cứu tinh của những kẻ chán đời

Cầu Trường Giang tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc có một sự tích bi thương mà người dân địa phương không khỏi đau lòng. Đây là nơi có nhiều người chán đời, phẫn chí nhảy xuống sông tự tử. Báo chí than phiền nhiều mà không có kết quả.

Có một người động lòng thương cảm đã hành động. Đó là ông Trần Tư, 37 tuổi, chủ một cửa hàng tạp hóa. Từ hơn 10 tháng nay, hằng tuần ông bỏ ra 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, bất kể nắng mưa, mùa đông rét buốt cũng như mùa hè oi bức, túc trực ở đầu cầu từ 8 giờ sáng cho đến chiều tối. Ông ngăn chặn, khuyên giải những người có ý định tự tử suy nghĩ lại, đừng phí bỏ cuộc đời dù với bất cứ lý do gì. Cây cầu cao hơn mặt nước sông 100 m, dòng nước chảy xiết, ai nhảy xuống là cầm chắc cái chết. Ông kiên trì đứng ở đầu cầu, tay cầm lá cờ vàng, bên cạnh là tấm biển với những lời khuyên chân thành: “Bạn mệt mỏi hay chán đời? Hay là phạm lỗi lầm? Nhưng bạn ơi, đời người chỉ có một lần. Mong bạn suy nghĩ lại, tự cho mình thêm một cơ hội may mắn nữa, bởi vì ngày mai ánh nắng mặt trời sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc mới của cuộc đời”.

Ông Trần giãi bày tâm sự: “Tôi chỉ có đôi tay kéo giữ được ai đó, nhưng mỗi lần như vậy là tôi cứu được một mạng người”.

Đến nay ông Trần đã ngăn được 40 người khỏi tự tử nhưng vẫn đau xót và hối hận vì không thể ngăn được 3 người khác và phải chứng kiến cái chết đau thương của họ.

Cầu Trường Giang ở Nam Kinh dài hơn 4.500 m, khánh thành năm 1968, đến nay đã có hơn 1.000 người nhảy cầu tìm đến cái chết, bình quân mỗi năm có 27 người. Ông Trần biết rõ những con số đăng báo này và không thể ngồi yên. Ông nói: “Giờ đây hầu như ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại của nhiều người từ mọi miền đất nước thổ lộ nỗi niềm muốn kết liễu cuộc đời và tha thiết xin được lời khuyên. Như vậy làm sao tôi có thể đành lòng nhìn người tự tử”.

Có kẻ xấu bụng nói ông hám nổi danh và tiền thưởng, ông Trần bỏ ngoài tai, bởi vì “thấy người hoạn nạn, ai cũng phải ra tay cứu giúp, vậy thôi”- như lời ông tâm sự. Vậy ông làm việc này đến bao giờ? “Cho đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay”.

Ông Trần có cuộc sống cơ cực từ nhỏ, không cha, 6 tuổi bị mẹ bỏ rơi và tự mình bươn chải, tự lập cho đến nay.