Vụ đại sứ Mỹ bị sát hại tại Libya: Al-Qaeda trả thù?

Nhiều vụ biểu tình chống Mỹ để phản đối một bộ phim phỉ báng đạo Hồi đang lan rộng

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 12-9 đã cực lực lên án vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi (Libya), khiến đại sứ Mỹ tại nước này cùng 3 nhà ngoại giao khác thiệt mạng. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng lên án mạnh mẽ vụ việc.
 
Riêng Tổng thống Mỹ Barack Obama thề sẽ đưa những kẻ thủ ác ra trước công lý. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Libya Mohammed Magarief đã lên tiếng xin lỗi Mỹ và thế giới về vụ tấn công, cam kết sẽ điều tra và đưa hung thủ ra trước pháp luật.

Thế giới cần nhiều Stevens

Ông J. Christopher Stevens là đại sứ Mỹ đầu tiên bị sát hại trong hơn 30 năm qua. Điều đáng nói là ông Stevens là người ủng hộ nhiệt tình cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của ông Muammar Gaddafi. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định: “Ông Stevens đã hy sinh tính mạng khi đang tìm cách giúp xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Libya. Thế giới này cần thêm nhiều người như ông”.
 
Hãng tin AP dẫn lời bác sĩ điều trị cho ông Stevens cho biết vị đại sứ Mỹ tử vong vì bị ngạt khí nghiêm trọng và ông đã mất đến 90 phút để tìm cách cứu sống ông Stevens nhưng không thành.
 
img

Ông Christopher Stevens (phải) tại Tripoli hôm 27-6. Ảnh: REUTERS

Đài CBS News đưa tin Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ tập trung điều tra xem liệu vụ tấn công nói trên có phải đã được lên kế hoạch từ trước để đánh dấu kỷ niệm sự kiện 11-9-2001 hay không.
 
Các quan chức Mỹ nghi ngờ những phần tử al-Qaeda hoặc các nhóm vũ trang ủng hộ mạng lưới khủng bố này đã lợi dụng cuộc biểu tình phản đối một bộ phim bị xem là phỉ báng đạo Hồi để làm tấm bình phong cho cuộc tấn công trả thù người Mỹ.
 
Đáng chú ý là vụ tấn công trên diễn ra ngay sau khi thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri kêu gọi trả thù cho cái chết của Abu Yahya al-Libi, nhân vật thứ 2 của Al-Qaeda thiệt mạng trong một vụ không kích của Mỹ ở Pakistan hồi tháng 6 qua. 

Giám sát bầu trời Libya

Các nhân viên FBI sẽ đến hiện trường để tìm kiếm bằng chứng phục vụ cho công tác điều tra. Một nhóm thứ 2 cũng sẽ được phái đi cùng để làm nhiệm vụ bảo vệ nhóm điều tra. Cũng trong nỗ lực truy tìm những kẻ thủ ác, Mỹ sẽ tăng cường giám sát trên bầu trời Libya, trong đó có việc sử dụng máy bay không người lái.
 
Hai tàu khu trục cũng đã được điều đến ngoài khơi bờ biển Libya để thực hiện bất kỳ sứ mệnh nào theo lệnh của tổng thống.  Một đơn vị gồm khoảng 50 lính thủy đánh bộ cũng được triển khai đến Tripoli nhằm tăng cường an ninh cho Đại sứ quán Mỹ.

Trong lúc này, các vụ biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi nói trên đang lan rộng. Tại Yemen, đám đông biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa hôm 13-9 bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của lực lượng cảnh sát chống bạo động. Theo Reuters, những người biểu tình đã đập phá cửa sổ, đốt một số ô tô mang biển ngoại giao trước khi phá cổng chính để xông vào tòa nhà đại sứ quán. Lực lượng an ninh buộc phải sử dụng vòi rồng và bắn cảnh cáo để cố đẩy đám đông ra khỏi tòa nhà.

Các đại sứ quán Mỹ tại 7 nước Armenia, Burundi, Kuwait, Sudan, Tunisia, Zambia và Ai Cập đã khuyến cáo công dân Mỹ thận trọng cao độ trước những cuộc biểu tình chống Mỹ.

Ngày 13-9, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về vụ tấn công vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Bengadi, Libya làm đại sứ Mỹ và một số viên chức ngoại giao Mỹ thiệt mạng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên và gửi tới gia đình các nạn nhân lời chia buồn sâu sắc.
  
Ông Nghị nhấn mạnh: “Việt Nam đề nghị chính quyền Libya thực thi các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Libya”.