Xem xét việc hạn chế bay

313 sân bay bị tê liệt và 6,8 triệu hành khách trên thế giới bị ảnh hưởng bởi quyết định hạn chế bay của khoảng 30 nước

Bộ trưởng giao thông các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) họp khẩn qua video trong ngày 19-4 để tìm giải pháp cho tình trạng giao thông hàng không hỗn loạn do tro bụi núi lửa gây ra hiện nay. 

img

Hành khách chờ đợi tại sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) hôm 19-4 sau khi các chuyến bay đến châu Âu bị hủy. Ảnh: AP


Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các hãng hàng không tăng cường kêu gọi xem xét lại các biện pháp hạn chế bay sau khi các chuyến bay thử nghiệm qua tro bụi núi lửa cho thấy không có vấn đề gì. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết đã ra lệnh tiến hành một cuộc nghiên cứu toàn diện để đánh giá tác động của tình hình gián đoạn giao thông hàng không hiện nay đối với nền kinh tế, nhất là ngành công nghiệp hàng không.

Hãng hàng không KLM Royal Dutch Airlines (Hà Lan) hôm 18-4 tuyên bố rằng phần lớn không phận ở châu Âu là “an toàn” sau một loạt chuyến bay thử nghiệm nhằm kiểm tra tác động của tro bụi núi lửa đối với máy bay. Cùng ngày, hai máy bay chở hàng hóa của hãng hàng không này đã khởi hành đi Trung Đông và châu Á.

50% chuyến bay cất cánh trong ngày 19-4?


Các quan chức châu Âu hy vọng rằng 50% chuyến bay sẽ cất cánh như kế hoạch đề ra trong ngày 19-4.  Sau cuộc họp với các quan chức Cơ quan Điều phối chuyến bay Eurocontrol hôm 18-4, bà Diego Lopez Garrido, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Tây Ban Nha, cho biết đã có những dự báo rằng phân nửa chuyến bay ở châu Âu sẽ diễn ra trong ngày 19-4.

Trong khi đó, ông Siim Kallas, ủy viên Giao thông của EU, cho hãng tin Reuters biết: “Chúng ta không thể chờ cho đến khi đám mây tro bụi biến mất”. Ông hy vọng  sẽ có khoảng 50% không phận của châu Âu sẽ không còn rủi ro trong ngày 19-4.

Áo đã mở cửa sân bay hôm 19-4 nhưng nhiều nước khác vẫn còn giữ nguyên quyết định đóng cửa toàn bộ hoặc một phần không phận của mình. AFP dẫn lời Hội đồng sân bay quốc tế (ACI) cho biết 6,8 triệu hành khách trên thế giới bị ảnh hưởng bởi quyết định nói trên của khoảng 30 nước. Ngoài ra, theo ACI, các sân bay châu Âu bị tổn thất khoảng 183 triệu USD. Đã có tổng cộng 313 sân bay tê liệt bởi lệnh hạn chế bay và khoảng 63.000 chuyến bay bị hủy ở châu Âu kể từ ngày 15-4.  Riêng trong ngày 18-4, theo hãng tin Reuters, khoảng 20.000 chuyến bay đã bị hủy.

Cùng ngày, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) chỉ trích phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng do tro bụi núi lửa gây ra và kêu gọi khẩn cấp mở lại không phận châu lục này. IATA cho biết 5 ngày đóng cửa vừa qua khiến các hãng hàng không thiệt hại 250 triệu USD/ngày.  Ông Giovanni Bisignani, người đứng đầu IATA, nhận định: “Vụ núi lửa này đã làm tê liệt ngành hàng không, trước tiên là ở châu Âu và đang có những tác động tiêu cực khắp thế giới. Chúng ta cần phải tìm ra cách thức để từng bước mở cửa không phận một cách linh hoạt”.

Tác động của cuộc khủng hoảng đối với cuộc sống thường nhật ngày càng sâu sắc. Tại Anh, các công ty cho biết nhiều nhân viên đi nghỉ lễ ở nước ngoài không thể về nước. Trong khi đó, các bệnh viện buộc phải hủy một số cuộc phẫu thuật vì bác sĩ phẫu thuật không thể đến được. Theo thống kê, khoảng 150.000 người Anh vẫn còn bị mắc kẹt ở  nước ngoài. Hãng tin AP cho biết Chính phủ Anh đã phái tàu chiến đi đón những người mắc kẹt phía bên kia Kênh đào Anh và ở Tây Ban Nha.

Núi lửa tại Iceland ngưng phun trào


Theo tin mới nhất từ Cơ quan Khí tượng Anh ngày 19-4, núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland hầu như đã ngưng phun trào.

Thông tin đăng trên trang web của cơ quan nói trên cho biết việc phun trào của núi lửa trên thực tế đã chấm dứt. Chỉ còn một khối lượng nhỏ tro bụi phun lên ở độ cao gần 200 m.
 
Tuy nhiên, đám mây tro bụi từ nham thạch của núi lửa này hiện vẫn bao phủ phần lớn lãnh thổ châu Âu. Cơ quan kiểm soát không lưu liên chính phủ châu Âu cho biết hoạt động của núi lửa Eyjafjallajokull có dấu hiệu chấm dứt là tin vui cho hàng triệu hành khách đang mắc kẹt tại nhiều sân bay trên toàn châu Âu trong suốt 5 ngày qua. (TTXVN)