Xung đột đẫm máu tại miền Đông Ukraine

Giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai không ngừng tăng tại miền Đông trong những ngày qua. Hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau đã tiến hành các cuộc pháo kích vào khu dân cư làm nhiều người thiệt mạng.

Ông Eduard Basurin, phát ngôn viên cơ quan quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, hôm 18-8 cho hay khoảng 17 người thiệt mạng và 45 người bị thương trong các cuộc pháo kích do quân đội Ukraine tiến hành tuần qua.

Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi Ukraine ngừng làm gia tăng căng thẳng ở miền Đông nước này cũng như tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại thủ đô Minks - Belarus hôm 12-2.

Đồng thời, Moscow cho rằng “hành động hiếu chiến” của Ukraine được sự khích lệ của một số nước phương Tây và là minh chứng cho ý định giải quyết cuộc khủng hoảng bằng vũ lực của Kiev.

 

Nhân viên cứu hỏa chữa cháy tại một ngôi nhà bị pháo kích ở Donetsk, miền Đông Ukraine Ảnh: AP
Nhân viên cứu hỏa chữa cháy tại một ngôi nhà bị pháo kích ở Donetsk, miền Đông Ukraine Ảnh: AP

 

Đáp lại, người phát ngôn quân đội Ukraine cáo buộc Nga tìm cách gây sức ép lên nước này. Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng chính Moscow và các phần tử ly khai phải chịu trách nhiệm cho những cuộc tấn công này cũng như cuộc xung đột họ từng gây ra hồi tháng 8 năm ngoái.

Giữa lúc bạo lực leo thang ở miền Đông Ukraine, Mỹ và các đồng minh dự kiến tiến hành cuộc tập trận trên không lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh ở châu Âu từ ngày 22-8. Cuộc tập trận “Swift Response 15” (tạm dịch: Phản ứng nhanh) sẽ diễn ra tại 4 nước Đức, Ý, Bulgaria, Romania trong 4 tuần với sự tham gia của gần 5.000 binh sĩ từ 11 quốc gia thành viên NATO.

Mục đích cuộc tập trận là triển khai lực lượng chiến đấu của các nước một cách thống nhất, nhanh chóng để duy trì một châu Âu mạnh mẽ, an toàn.

Một diễn biến cũng khiến phương Tây đề phòng là Nga có thể ký thỏa thuận bán hệ thống tên lửa S-300 cho Iran vào tuần tới. Ông Kirby cho rằng dù thỏa thuận này không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng Mỹ vẫn phản đối bởi S-300 là một hệ thống tên lửa đất đối không có sức mạnh đáng kể.