25 năm Duyên Hải - Cần Giờ
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN.- Mười năm sau giải phóng, dân Cần Giờ nhìn thấy ô tô chạy đến huyện lỵ. Năm năm sau đó, Cần Giờ có điện lưới quốc gia. Cần Giờ sẽ còn được nhiều hơn nữa...Cần Giờ... cần gì?”. Câu hỏi từng làm trăn trở bao người, từ khi Cần Giờ tách khỏi Đồng Nai nhập vào TPHCM. Lúc bấy giờ, đây là vùng đất gần như hoang tàn. Đường sá trắc trở, thảm thực vật và động vật ở Rừng Sác bị chất độc khai quang hủy diệt, đa số dân phải cứu trợ. Gần 25 năm qua, Cần Giờ đã khác xa.
Sáp nhập vào TPHCM - khi đó vẫn còn mang tên Duyên Hải - cho đến thời điểm được Hội đồng Bộ trưởng có quyết định đổi lại tên Cần Giờ (1991), cơ sở hạ tầng của huyện hầu như không có gì đáng kể. Lúc bấy giờ từ TP để đến được Cần Giờ phải mất cả ngày ngồi đò. Do vậy, năm 1985, việc mở con đường Cần Giờ nối liền với TP đã được người dân trong huyện đón nhận như sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là lần đầu tiên trong đời, họ thấy được những chiếc ô tô mang dòng chữ TPHCM - Cần Giờ. Sau khi con đường huyết mạch này (giờ mang tên đường Rừng Sác) được trải nhựa, hệ thống đường liên xã lần lượt được xây dựng. Ngày khánh thành con đường nối với xã Lý Nhơn, ông Dương Độc Lập - khi đó là bí thư huyện - đã bồi hồi nhớ lại: “Có lúc lệ thuộc con nước, từ trung tâm huyện muốn qua xã Lý Nhơn lại phải đi vòng qua sông Soài Rạp, ghé vào Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang rồi mới đến được xã!”. Giờ đây, đường Rừng Sác càng phát huy vai trò trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cầu Dần Xây sau nhiều trục trặc cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Năm 1990, lại một bước ngoặt quan trọng đến với Cần Giờ, đó là điện lưới quốc gia về đến huyện. Thừa hưởng những công trình được đầu tư, đời sống kinh tế - xã hội của Cần Giờ không ngừng phát triển. Nguồn điện quốc gia đã thắp sáng thôn xóm, cải thiện công việc tưới tiêu, nuôi trồng, sản xuất; bệnh viện, trường học ngày càng nhiều.
“Mũi tên đỏ, vành cung xanh”
Việc đầu tư của TP và Trung ương đối với Cần Giờ đã khẳng định được thành quả, như một cuộc cách mạng với hình tượng mà một nhà nghiên cứu đã đưa ra “mũi tên đỏ - vành cung xanh”. “Đỏ” đó là đầu tư cơ sở hạ tầng; còn “xanh” là xây dựng kinh tế biển và quan trọng nhất là việc phục hồi rừng, môi trường sinh thái. Hiện nay Cần Giờ đã khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn với hơn 22.000 ha, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn của huyện lên 32.800 ha. Rừng Sác Cần Giờ hiện nay ngoài chức năng phòng hộ, còn là nơi nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Nơi đây hiện có một số loài quý hiếm nằm trong sách đỏ bao gồm 8 loài bò sát, 2 loài chim, 3 loài thú. Một địa điểm hấp dẫn du khách tham quan, đó là “Đảo Khỉ” thuộc Lâm viên Cần Giờ với loài khỉ đuôi dài gồm ba bầy đàn gần 500 con sinh sống trong điều kiện tự nhiên. Chính nơi đây, ngay từ đầu đã được tổ chức ACTMANG của Nhật Bản quan tâm hợp tác đầu tư với những công trình như vườn thực vật, động vật, nuôi cá sấu bán hoang dại...
Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cần Giờ đã được Chính phủ xem xét phát triển thành khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn, và Tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển quốc tế.