46 người chết, thiệt hại tài sản rất lớn
Lũ quét ở Quảng Nam làm chết 15 người. Trận lũ lịch sử ở Ninh Thuận làm chết 9 người, hàng ngàn hộ nông dân trắng tay, cần được cứu trợ khẩn cấp
Theo thông báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát lúc 17 giờ ngày 14-11, lũ các sông ở Thừa Thiên - Huế, sông Vu Gia (Quảng Nam) đã lên đỉnh và đang xuống; hạ lưu sông Thu Bồn đang lên; các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận xuống dần. Đỉnh lũ sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,85 m (lúc 11 giờ ngày 14-11 ở mức báo động III); các sông ở Thừa Thiên - Huế đều xấp xỉ mức báo động II.
Tuy nhiên, trong ngày 14-11, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã gây những thiệt hại về người rất lớn, đặc biệt tại Quảng
Quảng Nam: Lũ quét, 21 người chết.- Từ chiều 13-11, trên địa bàn Quảng Nam bắt đầu có mưa lớn rộng khắp, đặc biệt là mưa rất to ở các địa phương khu vực thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn. Xuất hiện lũ quét, lũ ống tại nhiều địa phương miền núi.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, toàn tỉnh Quảng
Báo cáo nhanh của các địa phương còn cho biết nhiều vùng đã bị nước lũ gây ngập úng cục bộ. Tại các huyện Đại Lộc và Điện Bàn, hàng chục ngàn nhà dân đã bị ngập nước sâu từ 0,2 m - 1 m. Tại Phước Sơn, tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức vào bãi đào đãi vàng Phước Thành bị sạt lở 90 điểm với hơn 1.300 m3 đất đá. Các tuyến đường Phước Thành - Phước Lộc, Phước Chánh - Phước Công, Quốc lộ 14E cũng đã tắc nghẽn hoàn toàn. Riêng tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Phước Sơn bị sạt lở nặng từ đèo Lò Xo đến dốc Thác Nước. Tại 2 huyện miền núi Nam và Bắc Trà My, các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã đều đã bị nước chia cắt gây tắc nghẽn giao thông, liên lạc. Đặc biệt, tuyến đường ĐT 616 nối 2 huyện trên bị sạt lở nặng, khiến huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn từ sáng 13-11 đến nay vẫn chưa thể liên lạc.
Bình Định: 8 người chết, 315 nhà sập, thiệt hại trên 25 tỉ đồng.- Tính đến chiều 14-11, lũ lụt đã làm 8 người chết, 315 ngôi nhà sập hoàn toàn, hàng ngàn nhà bị ngập trong nước; 5 phòng học sập đổ; hơn 11.800 m đê bị sạt lở; 65.000 m3 kênh mương thủy lợi bị sạt lở và bị nước cuốn trôi; 123.970 m đường giao thông bị sạt lở; hàng ngàn học sinh phải nghỉ học; nhiều xã phường phía Đông của tỉnh bị ngập chìm trong nước. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 25 tỉ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng Chống lụt bão tỉnh Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình ở các vùng lũ lụt trọng điểm và trao quà cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại nặng. Được biết, trong hai ngày 13 và 14-11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã cứu trợ khẩn cấp cho 250 hộ gia đình với tổng số tiền 25 triệu đồng.
Phú Yên: 6 người chết.- Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Yên gởi Thủ tướng Chính phủ, đến chiều 14-11, mưa lũ đã làm 6 người chết, 1 người bị thương; 357 ngôi nhà bị sập và hư hỏng,1.366 hộ dân phải di dời. Mưa lũ cũng đã làm 4.000 ha lúa bị ngập, 1.581 ha hoa màu bị hư hại, 6.016 ha mía ngã đổ ảnh hưởng đến năng suất, 10.000 gia súc gia cầm bị cuốn trôi, 50 ha đất canh tác bị bồi lấp, 2.500 m2 mặt đường bị hư hỏng. Mưa lũ đã khiến 2/3 số trường học của tỉnh Phú Yên phải cho học sinh nghỉ trong ngày 14-11. Hiện tại, nhiều vùng trong tỉnh đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Lũ lụt cũng đã khiến 1.500 ha đìa tôm bị ngập và vỡ bờ bao, 8 thuyền đánh cá bị chìm. Tổng thiệt hại ước tính 88 tỉ đồng. Tỉnh Phú Yên đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 45 tỉ đồng để khắc phục những hậu quả ban đầu do lũ lụt gây ra.
Khánh Hòa: 2 người chết.- Đến 8 giờ sáng 14-11, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 2 người chết, 4 người bị thương, 65 nhà bị sập hoặc tốc mái, 4 tàu bị chìm hoặc trôi, nhiều công trình giao thông thủy lợi bị ngập lụt nặng hoặc sạt lở, hơn 200 ha đìa nuôi tôm bị vỡ, 440 ha lúa, ngô và mía bị ngập, nhiều ruộng bị bồi lấp. Nhiều đoạn đường giao thông trên Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 1, 2, 3, 8, 9 bị ngập cục bộ.
Ninh Thuận: Trận lũ lịch sử.- Theo những người dân địa phương, cơn lũ ngày 13-11 là cơn lũ lịch sử, lớn nhất kể từ năm 1986 đến nay. Lượng mưa trong ba ngày (từ 11 đến 13-11) lên đến 380 mm đã bằng lượng mưa trung bình của cả nửa năm của vùng đất vốn dĩ khô hạn như Phan Rang, cộng với việc rừng đã bị tàn phá nên lũ lụt xảy ra cũng là điều khó tránh khỏi. Ngay từ sáng sớm 13-11, trên 1.000 cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang phối hợp với thanh niên địa phương thành lập các đội cứu hộ đã đưa hàng ngàn người dân ra khỏi vùng ngập lũ. Đến khuya rạng sáng 14-11, đỉnh lũ ở sông Cái - Phan Rang đã lên vượt mức báo động III là 0,84 m. Nước lũ mấp mé đê sông Cái - Phan Rang. Nếu vỡ đê, cả thị xã Phan Rang - Tháp Chàm chìm sâu trong biển nước, hậu quả khôn lường. Tỉnh Ninh Thuận huy động lực lượng bộ đội dầm mình trong mưa lũ sử dụng bao cát nâng cao mặt đê. Hàng ngàn con người đã thức trắng đêm với các phương tiện kỹ thuật để giữ vững con đê trọng yếu không bị nước lũ “bẽ gãy”.
Nước lũ đã đẩy sập mố cầu Phú Quý thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước làm cho giao thông Bắc- Nam trên tuyến Quốc lộ 1A bị tê liệt từ lúc 12 giờ khuya ngày 13-11. Hàng ngàn chiếc xe tải, xe đò kẹt cứng trên Quốc lộ 1A, kéo dài nhiều cây số. Lực lượng công an địa phương đã bảo vệ cho hành khách lỡ đường. Ngành giao thông công chánh bắc cầu tạm qua sông Quao. Đến 10 giờ 30 phút ngày 14-11, Quốc lộ 1A đã thông xe nhưng tốc độ di chuyển rất chậm vì phải điều phối đi theo đường một chiều. Hệ thống đường sắt cũng đã kịp thời khôi phục thông tàu vào hồi 12 giờ 10 phút. Chiếc tàu E1 bị nằm tránh lũ tại ga Tháp Chàm đã lăn bánh vào ga Sài Gòn.
Chiều 14-11, đồng chí Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng Chống lụt bão Trung ương, đã đến trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt ở Ninh Thuận. Theo chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 9 người chết, 2 người bị mất tích. Nhiều nhà dân và nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng. Toàn tỉnh có trên 15.000 ha cây trồng bị lũ gây thiệt hại làm giảm 50% năng suất. Gần 1.000 ha đìa nuôi tôm và ruộng muối bị thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn hộ nông dân rơi vào cảnh trắng tay do hoa màu bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, cần cứu trợ khẩn cấp. Ninh Thuận đang chờ sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh, thành, đồng bào trong cả nước để vượt qua cơn khốn khó do thiên tai lũ lụt.
Trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận vào tối 14-11, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung chăm lo cứu trợ lương thực phẩm, thuốc chữa bệnh, khôi phục giao thông, thủy lợi giúp nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn. Trung ương sẽ hỗ trợ tích cực để giúp Ninh Thuận khắc phục hậu quả do cơn lũ lịch sử này gây ra.