Ai là người kéo cờ trong lễ tuyên bố độc lập?

Người vinh dự kéo là cờ Tổ quốc trong giờ phút thiêng liêng và trọng đại đó là hai người thiếu nữ ở độ tuổi đôi mươi. Một là cô gái dân tộc Tày ở Cao Bằng, chiến sĩ trong đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và một là nữ sinh, con một tri thức lớn ở Thủ đô Hà Nội.

Ngày 2-9-1945 đi vào lịch sử như một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc. Vào chiều mùa thu nắng vàng rực rỡ và hào hùng trong âm hưởng của bài Tiến quân ca ấy, một lá cờ đỏ Sao vàng đã vút lên bầu trời trong xanh lộng gió, báo hiệu một giờ khắc linh thiêng của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Một quốc gia độc lập và tự do được nhân dân làm chủ sau hàng nghìn năm phong kiến và gần một thế kỷ nằm dưới ách đô hộ của thực dân. Người vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc trong giờ phút thiêng liêng và trọng đại đó là hai thiếu nữ ở độ tuổi đôi mươi.

“Cứ đến mùa thu Tháng Tám là tôi lại thấy nao nao, rạo rực trong lòng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tôi không sao quên được cảm giác lâng lâng, rạo rực đầy nhiệt huyết của bầu không khí cách mạng sục sôi tháng Tám năm 1945”, bà Đàm Thị Loan, một trong hai thiếu nữ kéo cờ Tổ quốc trong lễ tuyên ngôn độc 2-9-1945 sôi nổi mở đầu câu chuyện với tôi trong căn nhà trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội) cũng vào một buổi chiều mùa thu tháng Tám, nhưng cách thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc tròn 59 năm.

Sinh ra tại mảnh đất quê hương cách mạng Cao Bằng năm 1926, người thiếu nữ dân tộc Tày Đàm Thị Loan đã sớm đến với cách mạng từ những ngày còn gian khó. Tròn 14 tuổi, Đàm Thị Loan bắt đầu tham gia Hội Việt minh, ở xã Bình Long, huyện Hòa An, Cao Bằng và hai năm sau thoát ly gia đình đi theo tiếng gọi của cách mạng. Người thiếu nữ dân tộc Đàm Thị Loan trở thành một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) trong buổi lễ ra mắt ngày 22-12-1944 dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, tôi cùng chi đội giải phóng quân dưới sự chỉ huy của Chi đội trưởng Đàm Quang Trung (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu I) về thủ đô và đóng quân tại Bảo An binh của Pháp trước đây (đối diện rạp chiếu bóng Tháng Tám hiện nay), bà Loan nhớ lại. Lần đầu tiên được về thủ đô lại sống trong bầu không khí cách mạng vô cùng sôi động, cô thiếu nữ giải phóng quân Đàm Thị Loan can đảm có thể lái xe, bắn súng bằng cả hai tay vẫn có những đêm không ngủ vì háo hức. Không háo hức sao được khi bước ra khỏi cửa đơn vị là thấy rợp cờ đỏ Sao vàng, khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ Việt Minh, ủng hộ Hồ Chí Minh... cùng những hoạt động cách mạng khẩn trương, nhộn nhịp khắp thủ đô.

Ánh mắt của bà Đàm Thị Loan vừa bước sang tuổi bát tuần như ánh lên khi nhớ lại buổi tối ngày 1-9-1945. “Tối hôm đó, tôi đang ở đơn vị thì được lệnh lên gặp Chi đội trưởng Đàm Quang Trung nhận nhiệm vụ. Bước vào phòng, Chi đội trưởng Đàm Quang Trung nói ngay: “Chi đội tin tưởng giao cho đồng chí Loan một nhiệm vụ quan trọng. Ngày mai, 2-9, đồng chí, đại diện cho quân giải phóng và một nữ tự vệ Hà Nội, đại diện cho nữ sinh thủ đô, sẽ cùng kéo cờ trong buổi lễ tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Đồng chí chuẩn bị kỹ để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

“Quá bất ngờ và sung sướng bởi vinh dự lớn được giao phó, tôi hầu như không chợp mắt được dù trong lòng tự nhủ phải cố giữ bình tĩnh và tỉnh táo để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, mở đầu cho buổi lễ trọng đại”, bà Loan kể. “Tôi dậy từ sáng sớm ngày 2-9. Mặc bộ quân phục nữ giải phóng quân vải thô, đầu đội mũ ca lô đính ngôi Sao vàng, tôi cùng đơn vị hòa vào dòng người tiến về Quảng trường Ba Đình. Gần 14 giờ, tôi cùng nữ tự vệ Hà Nội còn rất trẻ (sau này mới biết đó là chị Lê Thi) được hướng dẫn tới đứng dưới chân chiếc cột cờ lớn. Tự nhủ với mình phải thật bình tĩnh, không để xảy ra sơ sót nhưng trống ngực tôi vẫn đập thình thịch khi thấy mình đứng trước một rừng người, một rừng cờ đỏ”, bà Loan nhớ lại.

“Đang vô cùng hồi hộp, tôi thấy cả quảng trường hàng chục vạn người đột nhiên vang lên tiếng hò reo như sấm dậy: “Cụ Hồ! Cụ Hồ Chí Minh”, “Hoan hô cụ Hồ! Cụ Hồ Chí Minh Muôn năm”. Ngước nhìn lên lễ đài, tôi thấy Bác Hồ dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời và Tổng bộ Việt Minh tiến lên lễ đài”. Kể đến đây giọng bà Loan bỗng bồi hồi: “Đi qua cột cờ, Bác bất ngờ dừng lại trước mặt tôi đang cầm trong tay lá cờ đỏ Sao vàng lớn và hỏi: “Cô Loan giải phóng quân phải không?”. Quá bất ngờ, tôi ấp úng giây lát mới thốt lên: “Thưa Bác, cháu Loan đây ạ”. “Việc cháu làm vinh dự lắm đấy”, Bác căn dặn nhẹ nhàng rồi bước lên lễ đài.

“Tôi chực trào nước mắt vì xúc động”. “Hồi ở căn cứ cách mạng, tôi mới vinh dự gặp Bác có hai lần. Bận trăm công ngàn việc cách mạng, việc đất nước vậy mà Bác vẫn nhớ tên tôi, nhận ra tôi ngay vào giờ phút trọng đại nhất trong lịch sử dân tộc”.

“Tiếng nhạc hào hùng của bản Tiến quân ca vang lên hai bàn tay tôi run run nâng cao lá cờ đỏ Sao vàng phối hợp cùng nữ sinh Hà Nội kéo cờ theo nhịp hùng tráng của bản Tiến quân ca. Nốt nhạc cuối của bài Tiến quân ca vang lên cũng là lúc lá cờ được kéo lên tới đỉnh, tung bay phần phật dưới bầu trời trong xanh, rực rỡ ánh nắng. Hàng chục vạn ánh mắt cùng hướng về lá cờ đỏ Sao vàng tung bay trên bầu trời thủ đô lộng gió rồi im phăng phắc lắng nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập”. Sau một lúc lặng im như chìm vào trong những ký ức một thời sục sôi, hào hùng của dân tộc, của tuổi trẻ, bà Loan kể cho tôi nghe những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của bà từ đó cho tới khi nghỉ hưu với quân hàm đại tá quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi được hỏi về người nữ sinh thủ đô kéo cờ với mình, bà Đàm Thị Loan cho biết, do cùng bận công tác nên năm 1989 bà mới có điều kiện gặp lại bà Lê Thi. Khi đó mới biết, bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, con gái cụ Dương Quảng Hàm là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Chu Văn An nổi tiếng Hà Nội) là một nữ giáo sư triết học hàng đầu của nước ta.

Bà Đàm Thị Loan, phu nhân của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái - một trong những tướng lĩnh xuất sắc trong cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc, nay sống bình dị với con cháu đều đã phương trưởng trong một ngôi nhà không rộng nằm bên phố “nhà binh” Lý Nam Đế. Khi sức khỏe cho phép, bà Loan vẫn thường ra Quảng trường Ba Đình để ngắm nhìn là cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên bầu trời lộng gió, hồi tưởng lại những giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời.