Ấn tượng Võ Văn Kiệt
Ông xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực. Ở đâu có ông là ở đó có không khí của đổi mới. Võ Văn Kiệt thực sự là linh hồn của đổi mới, khởi đầu từ TPHCM, lan xuống Long An rồi tỏa ra cả nước như một sức mạnh không có gì ngăn cản được
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người hiểu rất sâu vùng ĐBSCL. Ở đó, ông đã sống, chiến đấu. Cuộc đời cách mạng từ thời trai trẻ cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo quốc gia, ông hiểu rõ nhân dân vùng này như hiểu chính bản thân mình. Ông hiểu từng vùng, hiểu nỗi khổ và cả những tính cách Nam Bộ rặt của người dân đồng bằng...
Từ Thoại Ngọc Hầu đến Võ Văn Kiệt
“Có lẽ, ông Sáu là cán bộ cao cấp cá biệt, đã đến làm việc với hầu hết các huyện trong vùng Đồng Tháp Mười. Nhiều chuyến khảo sát, ngủ qua đêm ở Tháp Rùng Rình hoặc ở huyện mới được thành lập như Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng, Vĩnh Hưng, Tân Hưng”. GS-TS Nguyễn Sinh Huy nhớ lại. “Sống chung với lũ, kiểm soát lũ được ông Võ Văn Kiệt nói chính thức, đầu tiên tại hội nghị quy hoạch thủy lợi, phòng chống lũ ở Đồng Tháp Mười tổ chức ở Đồng Tháp năm 1995. Những điều ông Sáu phát biểu tại hội nghị này cho thấy những hiểu biết rất tinh tế của ông, người đứng đầu Chính phủ, về một vấn đề chuyên sâu, ít người có được”.
Kinh Vĩnh Tế là con kinh được đào sớm nhất trong lịch sử khai phá ĐBSCL, bắt đầu từ mùa khô năm 1819 đến năm 1824 mới hoàn thành. Ngày 25-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ thị “lập kế hoạch cải tạo và mở rộng kinh Vĩnh Tế, xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ tràn và sử dụng nước lũ vào việc cải tạo vùng đất Bắc Hà Tiên, nghiên cứu thoát lũ ra phía Tây”. Trong không đầy 30 tháng, 170 km kênh mương được đào và nạo vét với hơn 19 triệu mét khối đất, 17 cầu cống được xây lắp, một hệ thống các công trình thủy lợi phức tạp có quy mô lớn ra đời... “Nếu không có một vị Thủ tướng có tầm nhìn rộng và cái tâm luôn nóng bỏng, sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời và cách dùng người, sự quyết đoán cá nhân cộng với sự cuốn hút mạnh mẽ và lòng nhân ái, thủy chung thì vào lúc đó khó xây nên công trình như thế ”, GS Huy nhận xét.
Có thể nói kinh Vĩnh tế và hệ thống công trình kiểm soát lũ lấy kinh Vĩnh Tế làm trung tâm là một công trình lịch sử nối hai thế hệ Thoại Ngọc Hầu và Võ Văn Kiệt, nhằm đem lại no ấm cho nông dân.
Kiến trúc sư của đổi mới
Hiện nay, rừng Cần Giờ - TPHCM có hai khu du lịch tầm cỡ. Sắp tới, nơi này còn nhiều khu nữa và chắc chắn hệ thống đường bộ, bãi tắm sẽ ra đời khang trang, lịch sự. Tôi nhớ chú Sáu Dân có lần kể chuyện Cần Giờ: “Hồi đó, rừng Cần Giờ bị Mỹ rải chất độc tàn phá một phần. Sau chiến tranh, dân chặt đước làm củi. Tôi giả làm người đi lấy củi và thấy dân bóc cả rễ, không có cách nào ngăn được. Tôi nghĩ rằng rừng phải là nơi cải tạo con người và chính con người sẽ phục hồi rừng...”. Bây giờ ở đó là khu du lịch. Khách ta, khách nước ngoài thích thú đi trên những con kinh, hai bên là rừng đước. Cần Giờ đã thực sự là môi trường xanh, sạch, là thảm xanh, là lá phổi của TPHCM
Ông Ba Huấn, thư ký cho chú Sáu Dân nhiều năm, kể cho tôi nghe: “Năm 1976, từ Hà Nội, tôi về làm thư ký cho anh Sáu. Thời đó, Nam Bộ nằm trong vùng trọng điểm số 1 lúa của cả nước. Vậy mà có rất nhiều hộ đói, dân tình khốn đốn. Anh Kiệt trăn trở, dằn vặt, nhiều đêm thức trắng. Anh đi đến cơ sở, đến các tỉnh. Anh nghe và thấu hiều đời sống công nhân khó khăn, anh hiểu rõ lòng yêu nước của số đông đồng bào... Khi đến các xí nghiệp, anh nghe lãnh đạo phản ánh những khó khăn, đề nghị các phương thức giải quyết. Có vị còn đề nghị anh trao cho họ quyền tự chủ... Anh trực tiếp tháo gỡ cho các cơ sở, anh chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Anh từng nói: “Nếu bị bỏ tù, tôi sẽ là người hằng ngày mang cà phê cho các anh, miễn là đừng có tham lam”.Thời đó, nhà nhà nuôi heo, cám thiếu, phải quen với công ty lương thực mới có, cán bộ cao cấp cũng nuôi heo, TP biến thành một trại nuôi heo khổng lồ. Nhưng khó khăn vẫn chồng chất”.
Ông Ba Huấn cảm phục: “Để tháo gỡ khó khăn, anh Sáu Dân bám sát cơ sở. Anh thấm sâu tình cảm đối với nhân dân, làm nên sự sáng tạo, bởi anh hiểu rõ nhân dân, anh biết nhân dân mong muốn điều gì. TPHCM dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và của anh Kiệt dần dần tiến lên, tháo gỡ, leo lề, vượt rào... Anh xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực, ở đâu có anh là ở đó có không khí của đổi mới. Võ Văn Kiệt thực sự là linh hồn của đổi mới của cả nước mà khởi đầu từ TPHCM, lan xuống Long An rồi cả nước như một sức mạnh không có gì ngăn cản được”.
Uống champage trong tù
Đường dây 500 KV Bắc - Nam hoàn thành đã lâu, song đến bây giờ vụ án Vũ Ngọc Hải, nguyên bộ trưởng Bộ Năng lượng, vẫn còn gây tranh cãi. Ông Vũ Ngọc Hải nhớ lại: “Anh Kiệt là người có bản lĩnh, có tầm nhìn chiến lược, nhiệt huyết, dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Anh ấy sống có tình người. Anh ấy đã từng nói “Nếu có đi tù, tớ mang cơm”. Anh ấy làm như thế thật”.
Chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm một người tù diễn ra trước giờ đóng điện đường dây 500 KV Bắc - Nam thật là đặc biệt và dường như chưa từng có tiền lệ. Ông Vũ Ngọc Hải kể: “Tôi hết sức bất ngờ. Thủ tướng vào thăm tôi tại trại giam. Ông mang đến 3 cái ly, loại ly uống champage và một chai champage thật ngon. Mở đầu, anh Sáu nói: “Cả tuần liền, tớ lo quá, không ngủ được”. Thấy tôi im lặng, anh nói tiếp: “Đêm qua tớ không ngủ được vì nhớ đến cậu. Vài giờ nữa đóng điện, cậu có biết không?”. Tôi hỏi: “Nghe nói cấp trên không cho làm lễ khánh thành, phải không ạ?”. Anh Sáu bảo: “Thôi, phải chấp hành...”. Rồi anh rót rượu và nâng ly: “Chúng ta cùng chúc mừng cho hơn 20.000 anh hùng đã lao động tuyệt vời để có đường dây hôm nay”. Tôi xúc động, nước mắt cứ trào ra, chần chừ, cầm ly mãi. Anh Sáu giục: “Uống, tớ và cậu cùng mừng cho công trình của chúng ta thắng lợi”. Tôi đưa ly rượu lên miệng, ngước nhìn anh. Một con người có cả trí – nhân – dũng – nghĩa, đủ cả. Tôi không biết nói gì hơn trong giờ phút thiêng liêng ấy”.