Anh hùng Khơ mú ở bản Kéo

Ông từng có một đời binh nghiệp thăng trầm, từng tham gia trận đánh lịch sử trên đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng chính những người sống xung quanh ông cũng không biết điều đó

Ông không nhớ mình bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ láng máng là mình kém Bác Hồ tròn 30 tuổi. Còn những kỷ niệm sâu sắc khi được gặp Bác Hồ và trận đánh ác liệt ở đồi A1 thì ông vẫn nhớ rõ mồn một.

Ký ức về Điện Biên Phủ 55 năm trước tưởng chừng đã bị lãng quên bởi cuộc sống khốn khó, nhưng chỉ cần ai đó khơi lại chuyện cũ là ông như trở lại thời đang đánh Pháp ở lòng chảo Điện Biên.


Trốn bản làng đi đánh Pháp


Là chiến sĩ duy nhất người dân tộc Khơ mú tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, lại trực tiếp tham gia trận đánh trên đồi A1, ông Lò Văn Nhóm còn cất kín những câu chuyện về Điện Biên năm xưa. 

Những người sống quanh ông thì  chỉ nghĩ rằng ông là một ông lão lẩm cẩm và suốt ngày chỉ biết đi chăn trâu. Nếu ông không kể thì lớp trẻ cũng chẳng bao giờ biết được quá khứ hào hùng của mình. Nhưng những người bạn chiến đấu cùng thời của ông mỗi khi nhắc đến Lò Văn Nhóm thì đều kể bằng giọng nể phục.


Những lời giới thiệu của người lưu giữ lịch sử Mường Phăng làm chúng tôi tò mò về nhân vật đặc biệt này. Tìm đến căn nhà của ông Lò Văn Nhóm - người dân tộc Khơ mú (hay còn gọi là dân tộc Xá) ở bản Kéo, một người cháu của ông nói rằng ông đang đi chăn trâu ở trên đồi phía sau nhà.

img
Ông Lò Văn Nhóm diễn tả lại cảnh ông chiến đấu ở đồi A1


Nghe tin có người đến thăm hỏi về chuyện đánh Pháp năm xưa, ông Nhóm như trẻ lại vài chục tuổi, những câu chuyện năm xưa bắt đầu tuôn chảy như suối. “Năm hơn 30 tuổi, tôi trốn nhà, bỏ bản làng đi theo đoàn quân lên giải phóng Điện Biên”- ông mở đầu câu chuyện.


Quê gốc của người đàn ông già nua, khắc khổ này ở Mường Lăng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Cái ngày ông trốn bản làng gia nhập quân đội, vị trung đoàn trưởng ban đầu đã không đồng ý để ông khoác áo lính và cầm súng, bởi ông chưa được huấn luyện một ngày nào.

Nhưng khi khắp núi rừng Tây Bắc rền vang tiếng súng đánh đuổi quân xâm lược, quân đội cũng rất cần những chiến sĩ người dân tộc có kinh nghiệm và là người bản địa như ông.

Sau này, sự nhiệt tình và thông thạo đường hành quân và những kinh nghiệm băng rừng, vượt suối của người chiến sĩ trẻ đã thuyết phục được trung đoàn trưởng. Ông Nhóm thậm chí còn được cử làm trung đội trưởng một trung đội thuộc sư đoàn chủ lực đánh Điện Biên Phủ.


“Ông lão chăn trâu” đánh đồi A1


“Sau trận Đông Khê, sư đoàn của tôi tiếp tục được điều động hành quân tới lòng chảo Điện Biên. Đó là thời điểm tất cả chúng tôi gửi tính mạng của mình cho Tổ quốc. Tất cả đều xác định là sẽ hy sinh”- giọng ông Nhóm trầm xuống.

Đơn vị của ông Nhóm lại là sư đoàn chủ lực đánh đồi A1 - cứ điểm mà Pháp cố thủ và tập trung hỏa lực mạnh nhất. Có một điều lạ ở “ông lão chăn trâu” này là ông chỉ nhớ láng máng về số hiệu đơn vị của mình, thậm chí tuổi của mình ông cũng không nhớ rõ, nhưng lại nhớ đến từng chi tiết về trận đánh ác liệt mà ông đã tham gia cách đây 55 năm. Thời khắc bi tráng nhất mà ông Nhóm không thể quên, là lúc đồng đội của ông cứ xông lên rồi lại ngã xuống.


Người đàn ông Khơ mú này tự nhận là mình may mắn không chỉ bởi đã sống sót sau trận đánh ác liệt bậc nhất trong lịch sử quân sự nước nhà ấy mà còn bởi ông cũng có vinh dự là người được phất cao lá cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm địch ở đồi A1.


Được sờ râu Bác Hồ

Là chiến sĩ Điện Biên duy nhất người dân tộc Khơ mú tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nhóm vẫn nhớ kỷ niệm về lần được gặp Bác Hồ, được Người nắm tay và hỏi chuyện. Đó là lúc ông mới tòng quân và chuẩn bị đánh trận Đông Khê.

Trong một lần Bác Hồ thăm đơn vị của ông, sau khi biết ông là chiến sĩ người Khơ mú xung phong tòng quân, Bác đã đến vỗ vai và hỏi chuyện. Ông còn nhớ rõ mồn một từng câu từng chữ mà Bác dặn: “Chú chịu khó đánh Tây, tiễu phỉ xong rồi về Hà Nội ở với tôi. Nhà chú sẽ ở cạnh nhà tôi”. Thời ấy, ông Nhóm còn trẻ và còn tinh nghịch.

“Thấy Bác Hồ nói thế, tôi còn sờ râu cụ và hứa sẽ không bao giờ run sợ trước quân thù”- ông Nhóm cười sảng khoái khi được khoe với người khác về vinh dự đó.


Lão nông ấy tiếp tục ở lại quân ngũ cho đến hết những năm đánh Mỹ. Sau đó, ông xin về để trông nom mẹ già và ở lại chính mảnh đất mà ông từng cầm súng chiến đấu. Ông Nhóm giờ đã vui thú điền viên và cất giữ những kỷ vật vô hình năm xưa cho riêng mình. Trong nhà ông lúc nào cũng có hình Bác Hồ. 

 

Kỳ tới:  Bạn chiến đấu của Phan Đình Giót