Bác Hồ, một vị thánh

Hằng năm, cứ đến ngày 18- 5, các tổ chức đoàn thể của bạn Ấn Độ như Hội Hữu nghị Ấn -Việt, Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Mác xít Ấn Độ (CPI-M) lại phối hợp với Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tổ chức cuộc mít tinh trọng thể để kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi thường được giao một nhiệm vụ: mang tấm ảnh Bác Hồ treo ở phòng khách ĐSQ theo ô tô ra địa điểm mít tinh, và sau khi lễ mít tinh kết thúc, lại đem về.

Các tổ chức của bạn không phải không có ảnh Bác Hồ, cũng in màu rất đẹp. Còn nhớ trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, đồng chí Sujit Singh, Tổng Bí thư CPI-M, đã cho người đến ĐSQ mượn tấm ảnh này, cho chụp và in lại hàng chục ngàn bản để phát tới từng chi bộ. (CPI-M là đảng có uy tín lớn, nắm chính quyền từ hàng chục năm nay tại 2 bang có dân số đông nhất Ấn Độ là bang Tây Bengal và bang Kerala. Chính tại Calcutta, thủ phủ của bang Tây Bengal, đã có tượng đồng Bác Hồ đặt tại một công viên rất đẹp của thành phố). Tuy nhiên, với lòng kính trọng Bác, và các đồng chí giữ rất nghiêm túc một nghi thức ngoại giao là ảnh của Bác phải do ĐSQ Việt Nam cung cấp mới là “ảnh chính thức”.

Cuộc mít tinh kéo dài khoảng một tiếng rưỡi tại một hội trường rộng lớn và rất đông đại biểu đến dự, với những lời ca ngợi hết sức nhiệt tình, sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới đã tổ chức kỷ niệm trong suốt một tháng - chứ không phải trong một ngày 19-5. Ấn Độ cũng là quốc gia dựng tượng đồng của Bác, có tới 2 đại lộ mang tên Bác (Ho Chi Minh Marg ở thủ đô New Delhi, và Ho Chi Minh Sarani ở thành phố Calcutta 12 triệu dân), chưa kể những “Công viên Hồ Chí Minh”, “Công viên Hòa bình Hồ Chí Minh” được đặt ở nhiều bang khác. Một chi tiết thú vị làm minh chứng cho tình cảm hữu nghị thân thiết này là tại Ấn Độ, mọi người cũng gọi là “Bác Hồ” (Uncle Ho) như ở Việt Nam mình, chỉ đôi khi trong diễn văn chính thức người ta mới gọi đầy đủ là “President Ho Chi Minh” hoặc “President Ho” mà thôi.

Khi buổi mít tinh kết thúc, tôi mang tấm ảnh Bác ra xe để đưa về trụ sở ĐSQ. Bỗng tôi nghe một tiếng gọi lớn của một người vừa chạy vừa thở: “Ông Việt Nam, đợi tôi một chút cho tôi được rước ảnh Bác Hồ!”. Thì ra là một giáo sĩ của đạo Hindu (ở ta thường gọi là Ấn Độ giáo, là 1 trong 5 tôn giáo lớn trên thế giới). Ông phân trần với tôi: “Tôi ở cách đây 25 km, đi

Ông Nguyễn Lê Bách là một nhà ngoại giao đã từng công tác ở nhiều nước. Chúng tôi giới thiệu bài viết của ông về tình cảm của nhân dân Ấn Độ đối với Bác Hồ kính yêu

3 tuyến xe buýt để đến đây, nhưng bất hạnh là hôm nay bị kẹt đường nên đến muộn, không được dự lễ”.

Ông giáo sĩ cung kính choàng một dây hoa lên tấm ảnh của Bác, cung kính chắp tay vái rồi mới chạm tay vào để “rước ảnh Bác”, đưa chiếc máy ảnh của ông nhờ một người chụp hộ. Ông thầm thì với tôi: “Tôi được phép chạm vào ảnh Bác Hồ. Tôi ở đẳng cấp Brahmin”. (Toàn xã hội có 5 đẳng cấp, mà Brahmin (ta phát âm theo chữ nho là Bà La Môn, và không ít người nhầm lẫn gọi là “đạo Bà La Môn”) là đẳng cấp cao nhất - đại loại có thể gọi là đẳng cấp quý tộc).

Đi với ông ra ô tô, tôi dừng lại nói chuyện thêm với ông về Bác Hồ. Tôi không động đến chuyện đẳng cấp, mà chỉ kể với ông những mẩu chuyện có thực về Bác trong những năm bôn ba đi tìm đường cứu nước. Tôi kể rằng Bác Hồ đã từng làm bồi tàu, đã từng quét tuyết ở London, từng rửa chén bát trong khách sạn ở Paris... và Bác nghèo đến nỗi phải đặt nhờ một viên gạch trên bếp lò nhà trọ để tối về bọc bằng báo cũ mà sưởi ấm khi ngủ. Tôi kể rằng Bác Hồ đã làm nhiều nghề, vừa để kiếm sống, vừa để xem những người cùng đinh ở các nước bị bóc lột ra sao, vừa học tập và nghiên cứu phong trào cách mạng ở các nước... Và sau này, khi đã trở thành Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam, có dịp Bác vẫn lội xuống ruộng, vẫn tát nước với dân, vẫn tham gia trồng cây với những người dân nghèo Việt Nam...

Ông giáo sĩ lặng lẽ đứng nghe, và khi tấm ảnh Bác Hồ đã được đặt ngay ngắn trong xe, ông lại kính cẩn chắp tay vái, và thầm thì với tôi: “Bác Hồ, đó là một vị thánh. Ở Ấn Độ, có một người như thế là Thánh Gandhi - tức Mahatma Gandhi. Còn ở Việt Nam, có Thánh Hồ. Đất nước các bạn may mắn có một vị thánh như thế. Có lẽ đây là ý Trời, để các bạn có thể đánh thắng mọi giặc ngoại xâm”. Tôi tôn trọng ông, vì tôn trọng một đức tin, một tấm lòng.