Bạn chiến đấu của những anh hùng

Đã hơn nửa thế kỷ, đồng đội của Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... vẫn còn nhớ như in nhiều kỷ niệm, hình ảnh về tấm gương hy sinh anh dũng của các anh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Căn nhà của đại tá về hưu Nông Văn Khầu - bạn chiến đấu của anh hùng Bế Văn Đàn - nằm trong một con ngõ sâu. Ông Khầu nay đã gần 80 nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, đặc biệt là nhớ nhiều chuyện cũ. “Tôi và Bế Văn Đàn cùng nhập ngũ một ngày, lại là đồng hương Cao Bằng nên tình bằng hữu rất thân thiết” - ông Khầu mở đầu câu chuyện.


img

Ông Nông Văn Khầu tự hào kể lại những ngày chiến đấu cùng anh hùng Bế Văn Đàn


Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực


Ông Nông Văn Khầu nhỏ hơn Bế Văn Đàn một tuổi. Cả hai cùng tham gia các chương trình huấn luyện bí mật của vệ quốc quân, vệ quốc đoàn ở địa phương.

“Trong thời gian huấn luyện, Đàn và tôi ở cùng trung đội, vẫn thường khuyên nhau chết xanh cỏ - sống đỏ ngực... Thời ấy, thanh niên quê tôi rất hăng hái tòng quân đánh giặc” - ông Khầu nhớ lại.


Theo miêu tả của ông Khầu, Bế Văn Đàn là người thấp bé, sau khi huấn luyện, được giao nhiệm vụ làm giao liên, chuyên đưa tin tức từ trung đoàn xuống các đơn vị cấp dưới.

Tiểu đội của Nông Văn Khầu và của Bế Văn Đàn được Trung đoàn 174 và Trung đoàn 141 trực tiếp giao nhiệm vụ đánh chặn quân Pháp ở Mường Pồn, không cho chúng rút về Lai Châu hòng tăng viện cho cứ điểm Điện Biên Phủ.


Ông Nông Văn Khầu vẫn còn nhớ về chuyện hy sinh anh dũng của người bạn mình. Chiến đấu tại cùng mặt trận Mường Pồn với Bế Văn Đàn, sau khi bộ đội ta tiêu diệt 24 trung đội của địch, Nông Văn Khầu đi tìm Bế Văn Đàn để chia vui thì hay tin Đàn đã hy sinh.

Sau này, ông Khầu được một đồng đội của Bế Văn Đàn là Chu Văn Pù - xạ thủ được Bế Văn Đàn yêu cầu kê khẩu trung liên lên vai anh mà tiêu diệt quân địch - kể lại: “Lúc địch tháo chạy, Đàn bị thương rồi nhưng vẫn quyết vào trận. Gác khẩu trung liên lên vai, Đàn hô: Bắn đi! Bắn đi! Bắn để trả thù cho đồng đội của bọn mình. Đàn đã ngã xuống trong trận đó”.


Bị thương, vẫn xông tới!


Trong những anh hùng sống mãi cùng Điện Biên Phủ, Phan Đình Giót là một tấm gương tiêu biểu. Theo chỉ dẫn của các chiến sĩ Trung đoàn 141, chúng tôi gặp được ông Ngô Tiến Cúc, bạn chiến đấu thân thiết nhất của Phan Đình Giót.


Ông Ngô Tiến Cúc quê Thanh Hóa, còn Phan Đình Giót quê Nghệ An, chưa từng quen nhau trước khi lên Điện Biên. Họ cùng nhập ngũ năm 1949 và được huấn luyện chung tại một đơn vị, được sống cạnh nhau.

Ông Cúc kể: “Anh Giót là người ít nói. Ngay cả trong những buổi học chính trị hoặc nghe phổ biến phong trào thi đua, anh ấy hầu như không bao giờ phát biểu. Có lần anh ấy bị đại đội trưởng phê bình không có tinh thần xây dựng tập thể, anh Giót đáp lại rất nhẹ nhàng: “Các đồng chí cứ phát biểu đi. Cứ ra trận rồi sẽ biết!”. Những ngày sau đó, trong mọi việc từ đào công sự đến mở đường kéo pháo, anh Giót đều làm rất âm thầm, lặng lẽ”.


Ăn Tết ở Mường Phăng xong, đơn vị của Ngô Tiến Cúc và Phan Đình Giót được giao nhiệm vụ đánh ba quả đồi Him Lam (thời điểm phát hỏa là 17 giờ ngày 13-3-1954). Trước ngày ra trận, Phan Đình Giót gặp riêng Ngô Tiến Cúc nói: “Lần này tớ quyết lập công dù phải hy sinh thân mình”.


img

Ông Ngô Tiến Cúc, bạn chiến đấu cùng anh hùng Phan Đình Giót, vui vầy bên các cháu nội, ngoại


Ông Cúc kể: “Sau khi tiểu đoàn chủ công đã phá xong hàng rào dây thép gai bao quanh đồi số 3, Phan Đình Giót bị thương, lẽ ra phải rút về tuyến sau để được chăm sóc nhưng Giót vẫn xông lên. Lợi dụng lúc quân địch trong lô cốt chờ tiếp đạn, Giót lao tới lấy thân mình bịt lỗ lô cốt và ném khối bộc phá vào trong để tiêu diệt địch. Nhờ đó chúng tôi tiến lên và chiếm ba quả đồi Him Lam. Hành động của Phan Đình Giót là hành động anh hùng nhất mà tôi từng được chứng kiến”.