Bị cáo sẽ không còn mặc áo sọc tại tòa ?

Phiên họp chiều qua 22-12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) sôi động hẳn lên khi bàn vấn đề trang phục của bị cáo tại phiên tòa hình sự.

Theo qui định hiện hành, người bị tạm giữ, tạm giam trong thời gian bị giam, giữ được sử dụng quần áo cá nhân, nếu thiếu thì nhà tạm giữ, trại tạm giam cho mượn quần áo theo mẫu thống nhất. Thế nhưng trên thực tế, “mẫu thống nhất” này lại chính là quần áo sọc mà những người đang chấp hành hình phạt tù phải mặc. Đặc biệt khi ra tòa, hầu hết bị cáo bị tạm giam đều mặc quần áo sọc, trong khi bị cáo được tại ngoại lại mặc thường phục dẫn đến sự phân biệt, không thống nhất.

“Thiếu thì cho mượn, vậy tôi không mượn thì sao?” - Chủ tịch QH Nguyễn Văn An ba lần nêu câu hỏi này song các câu trả lời từ Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm và phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Đặng Quang Phương đều chưa thuyết phục. Chủ tịch nói: “Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người trong cuộc. Tòa chưa tuyên án, tôi chưa có tội, tại sao tôi lại phải mặc áo phạm nhân? Nhà nước pháp quyền là phải nghĩ đến quyền của dân trước”.

Trong khi đó, Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao cho rằng bị cáo đang bị tạm giam vẫn cần phải mặc trang phục riêng thống nhất với kiểu cách, màu sắc khác quần áo sọc của phạm nhân nhằm dễ quản lý và không bị lẫn với những người khác dự phiên tòa. Tuy nhiên Phó chủ tịch QH Trương Quang Được, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, Trưởng Ban dân nguyện Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Vũ Đức Khiển... lại nghiêng về phương án: bị cáo ra tòa được mặc trang phục bình thường (mà vẫn đảm bảo tính nghiêm trang của phiên tòa). “Đây sẽ là bước tiến mới của cải cách tư pháp” - Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh.

Chốt lại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã giao Ủy ban pháp luật phối hợp Tòa án nhân dân tối cao gấp rút dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ QH theo hướng “bị cáo ra tòa mặc thường phục, không phân biệt người bị tạm giam với người được tại ngoại”. Nghị quyết này dự kiến sẽ được thông qua vào ngày mai 24-12.

* Cuối giờ chiều qua, Ủy ban thường vụ QH đã quyết nghị danh sách 126 tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc 63 tỉnh thành (trừ Đắc Nông do mới được tách lập) được thực hiện thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo qui định tại điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự. Trong khi Hà Nội có năm tòa án (các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân) góp mặt thì TP.HCM chỉ vỏn vẹn hai đơn vị là Tòa án nhân dân quận 5 và Tòa án nhân dân quận 11.

Từ ngày 1-1-2005, 126 tòa án trên sẽ được giải quyết thêm một số loại việc mới như: tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại không còn phân biệt giá ngạch; tranh chấp về bảo hiểm xã hội, tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.