Bộ KH-ĐT chưa dũng cảm nhận trách nhiệm

Đó là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng khi trả lời báo chí về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan để xảy vụ tiêu cực PMU 18.

. Phóng viên: Thưa ông, trong trả lời báo chí ngày 16-5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc có nói rằng trách nhiệm chính trong vụ PMU 18 là của Bộ GTVT, còn Bộ KH-ĐT chỉ có trách nhiệm “giám sát tổng hợp”?

- Ông Tào Hữu Phùng: Đúng, trách nhiệm chính và trực tiếp trong vụ việc này là của Bộ imgGTVT. Nhưng Bộ KH-ĐT phải chịu trách nhiệm chung về quản lý nguồn vốn ODA, từ vận động, phân bổ, kiểm tra và giám sát. Bộ KH-ĐT còn có khuyết điểm là cơ quan xây dựng đề án mẫu về các ban quản lý dự án (PMU). Theo tôi, Bộ KH-ĐT chưa dũng cảm nhận trách nhiệm về phần mình. Nghị định 17 đã nói rất rõ, trong quản lý vốn ODA có trách nhiệm của 6 bộ, trong đó Bộ KH-ĐT là chủ trì, đầu mối. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Bộ Tài chính và bộ chủ quản dự án. Nếu đưa trách nhiệm chung của Chính phủ là không phải, phải có trách nhiệm của từng bộ. Luật Ngân sách cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của từng bộ.

. Như vậy là bộ trưởng BộKH-ĐT đã thoái thác trách nhiệm?

- Tôi không dám nói là anh Võ Hồng Phúc thoái thác, nhưng QH trong phiên họp vừa qua (sáng 17-5) đã có phản ứng. Chúng ta cần công tâm. Luật Ngân sách quy định rất rõ, Nghị định 17 là văn bản cao nhất về quản lý vốn ODA cũng giao trách nhiệm cho Bộ KH-ĐT. Vậy Bộ KH-ĐT phải kiểm điểm những việc được giao, chứ không phải đổ lỗi cả tập thể Chính phủ.

. Nhưng cũng trong phần trả lời báo chí ngày 16-5, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có viện lý do là lực lượng thanh tra, giám sát vốn ODA của bộ quá “mỏng”, chỉ có khoảng 40 người?

- Thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm như thế nào là thuộc thẩm quyền của bộ trưởng. QH là người phê chuẩn anh làm bộ trưởng, QH chỉ “gõ” anh với tư cách là “tư lệnh” lĩnh vực mình phụ trách. Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước QH về quản lý Nhà nước trên toàn bộ lĩnh vực mình được giao quản lý. QH chỉ biết là nếu bộ trưởng không hoàn thành trách nhiệm thì phải nghiêm túc kiểm điểm.

. Trong trường hợp bộ trưởng không hoàn thành trách nhiệm thì QH “gõ” như thế nào?

- Nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ thì phải kiểm điểm để QH xem xét. QH có cơ chế rồi, nếu bộ trưởng không hoàn thành trách nhiệm thì có thể xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Như các nước khi thấy khuyết điểm, người ta từ chức ngay, rất nhẹ nhàng.

. Thưa ông, với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách – cơ quan giám sát của QH trong toàn bộ lĩnh vực kinh tế, trong đó có việc giám sát thực hiện vốn ODA - ông thấy trách nhiệm thế nào trong việc giám sát ODA?

- Tôi cũng từng nói thẳng là giám sát của QH, cụ thể là Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của QH cũng chưa quan tâm đúng mức, chưa giám sát sâu về vốn ODA. Vừa qua, Ủy ban Đối ngoại của QH cũng đã có giám sát về vốn ODA. Thời gian tới, QH cần phải giám sát kỹ, chuyên đề hơn và có thể chế văn bản về vấn đề này. Tôi đề nghị QH phải có luật hay pháp lệnh về quản lý vốn ODA.