Bốn nhà leo núi chinh phục đỉnh Olympia
9 giờ sáng ngày mai (13-7), bốn nhà leo núi xuất sắc nhất trong năm sẽ kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Olympia lần thứ 4-2003 do VTV3, Đài Truyền hình VN tổ chức. Xin giới thiệu với bạn đọc 4 gương mặt tiêu biểu đã vượt qua hàng chục cuộc leo núi trong năm để có mặt tại trận chung kết này
Võ Văn Dũng:Kiến thức đã có sẵn
. 160 điểm, nhất quý III. Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.
. Học sinh giỏi 12 năm liền. Lớp 11 đoạt giải 3 môn toán trên máy tính Casio; Giải bạc môn hóa Hoàng gia Úc.
Bước vào trận chung kết để chinh phục đỉnh Olympia ngay sau kỳ thi vào ĐH, Võ Văn Dũng, người được bạn đồng hành Nguyễn Văn Quý khá nể vì khả năng “chớp thời cơ” và khá tự tin. Với cậu học trò miền Trung này, kiến thức của cuộc thi đã có sẵn nên chẳng có gì để chuẩn bị. Có chăng thì cũng là tranh thủ đọc thêm vài cuốn sách của thư viện trường được coi là bảo bối như Mười ngàn câu hỏi tại sao, Bách khoa toàn thư... xem có thể “xơi” được món gì đó kiếm thêm điểm. Để cho dù không đoạt được vòng nguyệt quế, vẫn có thể tự tin vì đã không phụ lòng thầy cô, cha mẹ và các bạn cổ động viên.
Chưa lần nào gặp trực tiếp những người đồng hành ở trận chung kết, nhưng Dũng vẫn đánh giá rất cao các bạn, đặc biệt là cô gái duy nhất: Trần Thu Phương. Với Dũng, Phương là một người thông minh, nhanh và rất đáng nể. “Chính vì các bạn đều giỏi nên nếu ai đó chứ không phải em là người chiến thắng, em vẫn vui. Vào đến trận chung kết với em đã là một thành công rồi”.
Chờ đợi gì sau ngày 13-7? Một chuyến nghỉ ngơi và đi đây đó tham quan Hà Nội. Em vừa thi ĐH xong mà, chưa kịp nghỉ xả hơi. Chỉ thế thôi ư? Nếu may mắn thì sau đợt nghỉ ngơi sẽ là một học bổng du học nước ngoài. Nếu được chọn, em sẽ chọn ngành ngoại thương, giống như ngành học em vừa thi và anh ruột em đã chọn.
Trần Thu Phương: “Ngại” nhất chướng ngại vật...
. 140 điểm, nhất quý IV, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên ngữ Hà Nội.
Cô gái duy nhất trong số các nhà leo núi ở trận chung kết lần này lại là một fan mê bóng đá, truyện tranh (Đôrêmon) và nhạc rock. Từ lớp 1 đến lớp 9, Phương luôn đạt điểm xuất sắc ở môn toán (theo lớp chuyên toán mà), nhưng khi thi vào lớp 10, dù đỗ cả hai khối chuyên toán, chuyên ngữ, cô vẫn quyết định rẽ ngang vì “trong môi trường chuyên ngữ, phải học đều tất cả các môn học”. Quyết định của Phương khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên nhưng bố mẹ cô học trò này (đều là giáo viên) thì hết sức ủng hộ. Bố mẹ Phương cũng luôn là những cổ động viên nhiệt tình nhất của cô con gái.
Với Phương, chinh phục đỉnh Olympia là cơ hội tìm hiểu thêm kiến thức ở nhiều môn học và lĩnh vực. Vì thế, cuộc thi này với cô không có áp lực. Nhưng Phương bảo, bạn bè cô không nghĩ thế, “mọi người kỳ vọng rất nhiều vào em, và nếu em thua, các bạn cùng lớp đi cổ vũ sẽ khóc trước em mất. Vì thế mà em phải cố gắng hết mình, không phải vì em mà vì bố mẹ, thầy cô và đặc biệt là các fan”.
So tài với các bạn nam? Chẳng có gì phải ngại. Điều lo lắng nhất của Phương trước kỳ thi này là phải đứng trước ống kính máy quay trong phần thi “Vượt chướng ngại vật”. Lý do ư, thật đơn giản, vì Phương “hơi bị béo” và đứng trước máy quay lúng ta lúng túng chứ không được tự tin như ngoài đời. Đúng là con gái có khác. Thật phức tạp vì luôn phải để ý đến nhan sắc.
Nguyễn Văn Quý: Không tự tin lắm, nhưng...
. 160 điểm, nhất quý I. Học sinh Trường THPT Ba Đình, Thanh Hóa.
. Học sinh giỏi 12 năm liền. Lớp 9 đoạt giải nhì toàn tỉnh môn địa lý. Lớp 12 đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi môn lịch sử.
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bố mẹ đều là nông dân, vì thế mà không chỉ là học sinh giỏi 12 năm liền, Nguyễn Văn Quý còn là một người nội trợ đảm đang, biết cả nấu ăn và đi chợ với món sở trường là sườn xào chua ngọt. Quý cười bảo, ngon thì không bằng nhà hàng nhưng cũng rất ổn, bố mẹ đặc biệt tín nhiệm em nhất ở món ấy, vừa đủ chất lại vừa ngon.
Ham học. Ham đến nỗi hàng ngày đều có mặt hai buổi ở trường. Ăn cơm xong, 8 giờ tối lại ngồi vào bàn học đến 11 giờ khuya mới đi ngủ. Lịch học căng thẳng ban đầu chỉ làm cho Quý mệt đôi chút, nhưng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng 1 tháng, có lần Quý đã ngất trong lớp học. Kết luận của bác sĩ là phải nhập viện vì suy giảm sức khỏe do học nhiều quá. Một tháng nằm viện ngay trước khi kỳ thi học kỳ diễn ra là thời gian Quý tiếc nhất, vì không được dự thi tốt nghiệp THPT, cũng có nghĩa là không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH như các bạn của mình. Nhưng bù lại, “vì thế mà em có nhiều thời gian hơn dành cho việc chinh phục đỉnh Olympia”. Quý tâm sự, đôi mắt vẫn đượm buồn.
Tự tin vượt qua cuộc thi tuần, bước vào cuộc thi tháng cũng với tâm trạng ấy nhưng chiến thắng cuộc thi quý để rồi vào đến vòng chung kết là một thành công “ngoài dự định” của Quý. So với ba ứng viên vô địch còn lại, Quý có lẽ là người “thiệt thòi” nhất. Ở Trường THPT Ba Đình, Thanh Hóa, Quý không được học tin học, cũng không được học ngoại ngữ, mọi kiến thức về hai môn này đều là tự đọc qua sách vở cả. “Vì thế mà em không tự tin lắm đâu. Các bạn tham gia trận chung kết đều là những người rất giỏi, đặc biệt là bạn Dũng. Xem trên tivi, thấy bạn ấy chớp thời cơ rất nhanh. Văn, sử, địa thì em không lo, bây giờ em đang tập trung vào đọc sách toán, lý, hóa. Đọc nhiều lắm để có thể leo núi nhanh như các bạn”.
Trương Quang Huy: Sẽ chọn ngành khoa học ứng dụng
. 100 điểm, nhất quý II. Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM.
. 12 năm là học sinh giỏi xuất sắc.
Lớp 9 và lớp 12 là học sinh giỏi cấp TP môn sinh học.
Chưa kịp nghỉ xả hơi sau kỳ thi đại học (thi cả hai khối A, B vào hai trường ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Y TPHCM), Trương Quang Huy đã bay ra Hà Nội để kịp tham dự trận chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Đối với cậu học trò tự tin này, đường lên đỉnh Olympia tuy rất khó khăn nhưng vui và thoải mái. Có lẽ là vì không nặng áp lực như kỳ thi ĐH. Huy cười tâm sự, em đi thi với tinh thần “bình tĩnh, tự tin, không ăn thua đủ”, được tới đâu hay tới đó chứ không đặt nặng vấn đề phải thắng.
Ngoài một bí thư chi đoàn giỏi của Trường Lê Hồng Phong, Huy còn là học sinh giỏi 12 năm liền. Cậu học trò này là khán giả thường xuyên và trung thành của các cuộc thi kiến thức trên truyền hình như Vui để học, Nhà khoa học trẻ tuổi (HTV7), Theo dòng lịch sử (VTV)... Bí quyết để có thể lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của Huy là ghi lại tất cả những điều hay, thú vị ra sổ mỗi khi đọc sách, xem tivi hay trong các giờ học. Đến giờ, Huy đã có lưng vốn là 4 cuốn sổ (vài trăm trang giấy) về những điều thú vị của cuộc sống, trước mỗi kỳ thi lại mở sổ xem lướt qua những gì mình đã cóp nhặt được. Huy còn bật mí, sau trận chung kết này, cậu sẽ đánh máy lại những dòng nguệch ngoạc toàn ký hiệu ấy để tặng những bạn nào có ý định chinh phục “Đường lên đỉnh Olympia”.
Ba là bác sĩ, mẹ là giáo viên, Huy đi theo con đường chuyên sinh suốt những năm học trung học là do mong muốn của ba muốn có người theo nghề. Nhưng cậu học trò này thì lại “đặc biệt hứng thú với các môn học lý, hóa”. Và nếu đậu ĐH cũng như may mắn chiến thắng trong cuộc đua thú vị này?... “Chắc chắn em sẽ chọn ngành khoa học ứng dụng. Em mơ ước tìm ra một loại vật liệu siêu nhẹ, siêu bền để chế tạo máy bay hay tàu vũ trụ”, Huy nói vậy.