Buôn thần bán thánh
Những ngày này, người dân khắp nơi lại nô nức đi lễ đền, chùa. Những chùa Bà, chùa Hương, đền Trần… với nào lộc, nào ấn khiến hàng triệu người phải quy phục, chen chúc và quỳ gối để cầu mong.
Người ta giành nhau bái vọng, tranh nhau cướp lấy quả cầu, phết hay lá ấn, túi lộc với hy vọng bề trên sáng soi cho chút lòng thành, với niềm tin mù quáng rằng càng cố tranh đoạt được lễ vật trời ban thì càng may mắn. Lộc, phết, ấn… quá ít mà người đoạt tranh quá nhiều, đâm ra lễ hội thành đám hỗn loạn, nhố nhăng, phi văn hóa.
Dẫu biết thế, dẫu vẫn thế, ấy vậy mà năm nào lễ hội cũng được tổ chức, càng ngày càng hoành tráng. Có đến hơn 8.000 lễ hội kể từ sau Tết Bính Thân. Tính ra, mỗi ngày, người dân vừa ăn vừa ngủ với lễ hội cũng không đủ thời gian. No dồn đói góp, thế nên, sau lễ hội là thiếu ăn. Hôm qua hát xướng thả giàn và ăn nhậu no say rồi hôm nay khạp gạo không còn một hạt. Phồn vinh chỉ đến giả tạo trong một đôi hôm rồi đi, để lại cái nghèo bất biến sau cái tháng giêng “ăn chơi” mà thực chất là vì chẳng có gì để làm nên đâm ra thất nghiệp, “chơi” là chính chứ lấy gì mà “ăn”?!
Người Việt vốn có truyền thống lạc quan, kể cả lúc bi kịch nhất vẫn tin vào ngày mai tươi sáng. Bài dân ca Bình Trị Thiên “Mười quả trứng” là điển hình của tinh thần này: “Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Lý thuyết là vậy nhưng thực tế vẫn phải thừa nhận là “có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Biếng nhác thì đừng mong đủ ăn, nói gì đến chuyện giàu có. Quy luật bao đời là vậy.
Ấy nhưng vì vẫn có nhiều người không làm mà vẫn có ăn, chẳng phải lao tâm khổ tứ mà vẫn giàu nên khiến người ta tin vào phận số. Với họ, đức tin chiến thắng mọi quy luật. Thay vì tay làm hàm nhai, họ chuyển sang buôn thần bán thánh.
Thế nên, chúng ta dễ dàng bắt gặp trong dòng người ngổn ngang chen chúc đi lễ đền, chùa tháng giêng ấy có nhiều quan thầy diện áo veston, cưỡi xe công, theo sau là bầu đoàn thê tử. Chẳng biết trước đấng tâm linh, họ cầu mong điều gì nhưng nhìn cách họ lấm lét dâng lễ cúng và thì thầm khấn cầu, có thể đoán đó chẳng phải là những lời nguyện ước cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận.
Mà kỳ thực, người dân đâu có cần cán bộ, quan chức đi chùa cầu tài cầu lộc giùm cho họ. Họ chỉ mong cán bộ làm đúng phận sự “công bộc” của dân, do dân và vì dân là vui lắm rồi. Rất tiếc là mong muốn của người dân và mục đích của cán bộ thì ít khi nào gặp nhau. Thế nên, trong mắt chúng dân, những đoàn xe công xếp hàng dài trước các đền, chùa bao giờ cũng kệch cỡm.
Đi lễ chùa là hoạt động văn hóa tâm linh bình thường. Tham dự các lễ hội đầu năm là hành vi tín ngưỡng truyền thống. Lễ hội càng đông, càng sôi động thì lẽ ra càng vui nhưng ngày lại càng buồn. Đó là vì người ta đến với lễ hội, tham gia lễ hội không vì cái tâm trong sáng nữa, thay vào đó là mưu cầu lợi ích cá nhân. Nhìn cảnh thiên hạ nhét tiền đồng và đô-la vào các bức tượng mà ngao ngán. Thánh thần mà cũng đòi mua chuộc thì biết người ta đang mất niềm tin vào bản thân và cuộc sống biết dường nào…