Cả nước có 15 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận

(NLĐ) - Chiều 12-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh gồm 6 chương, 41 điều, đã được Ủy ban Thường vụ QH khóa XI thông qua ngày 18-6-2004 và có hiệu lực từ ngày 15-11 tới.

Pháp lệnh quy định cụ thể về hoạt động tín ngưỡng của người có tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành; tổ chức tôn giáo và hoạt động của tổ chức tôn giáo… với quan điểm xử lý và giải quyết các vấn đề thông thoáng, mở hơn so với Nghị định 26/CP hiện nay và vẫn bảo đảm được việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ, thành viên ban soạn thảo Pháp lệnh cho biết: cả nước có gần 20 triệu tín đồ của 6 tôn giáo lớn, đứng đầu là đạo Phật với 9,1 triệu tín đồ, tiếp đến là Công giáo 5,3 triệu tín đồ… và khoảng 60.000 chức sắc tôn giáo, hơn 30.000 nơi thờ tự. Hiện 15 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận, hoạt động tuân thủ pháp luật, gồm Giáo hội Công giáo, Giáo hội Phật giáo, Hội Thánh Tin lành VN (miền Nam), Hội Thánh Tin lành VN (miền Bắc), Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Cộng đồng Hồi giáo TP.HCM và 9 hệ phái Cao Đài. Còn hơn 10 tổ chức tôn giáo và khoảng 30 hệ phái chưa được công nhận tư cách pháp nhân về mặt tổ chức.

Ông Nguyễn Thanh Xuân giải thích, theo Pháp lệnh này, để được công nhận là một tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo cần đáp ứng 5 điều kiện: Là tổ chức của những người cùng chung tín ngưỡng, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi không trái với thuần phong, mỹ tục, lợi ích của dân tộc; Có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật; Có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định; Có trụ sở, tổ chức bộ máy, nhân sự phù hợp; Có tên gọi không trùng với tên gọi của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Về tình trạng tuyên truyền đạo trái phép, đặc biệt bức xúc ở Tây Bắc và Tây Nguyên, theo Pháp lệnh, việc đình chỉ hoạt động tôn giáo sẽ được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khi hoạt động tôn giáo làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết toàn dân, ảnh hưởng xấu đến môi sinh, môi trường. Việc đình chỉ sẽ thực hiện bằng các quyết định hành chính của chính quyền.