Cảng Sài Gòn muốn “xóa sổ” con tàu anh hùng!
Ngày 30-4-1975, những thủy thủ VN đã đấu tranh để đưa con tàu từ Thái Lan trở về VN. Sau nhiều thành tích xuất sắc, con tàu được phong anh hùng. Nhưng giờ đây, con tàu sắp sửa bị mang bán sắt vụn...
Những ngày gần đây, trên một tờ báo thông tin về việc Cảng Sài Gòn (CSG) sẽ bán đấu giá một số phương tiện. Việc thanh lý sẽ là bình thường nếu phương tiện đem ra đấu giá cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, điều đáng nói là một trong số các phương tiện bị thanh lý có tàu lai dắt CSG 240 - con tàu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1985.Con tàu đặc biệt
Tàu CSG 240 được sản xuất tại Mỹ, xuất xưởng năm 1943. Trước 30-4 - 1975, tàu có chức năng chính là lai dắt các tàu có tải trọng lớn ra vào CSG. Sau giải phóng, tàu CSG 240 thuộc quyền khai thác và sử dụng của Xí nghiệp Thủy đội (trực thuộc CSG), nay là Công ty Lai dắt TÀU BIểN.
Có những thời khắc đặc biệt khiến con tàu CSG 240 trở nên nổi tiếng. Vài ngày trước khi Sài Gòn giải phóng, tàu Oscela (tên cũ của CSG 240) thực hiện chuyến hành trình từ Sài Gòn đi Thái Lan. Trên tàu có 12 thành viên, trong đó có 4 người VN, còn lại là người Philippines, Hàn Quốc. Khi tàu đến Thái Lan thì nghe tin Sài Gòn giải phóng. Một số người muốn giữ tàu lại Thái Lan nhưng anh em thuyền viên VN đã “đấu tranh” quyết liệt để mang tàu trở về VN. Nhiều thế hệ cán bộ, thuyền viên từng phục vụ trên tàu CSG 240 sau giải phóng, đều không giấu vẻ tự hào khi nói về con tàu.
Máy trưởng Nguyễn Văn Sanh, một trong những người gắn bó với tàu CSG 240, kể về những đợt “công tác đặc biệt” của tàu CSG 240 cách đây hơn 20 năm với giọng đầy xúc động: “Có lần nhận lệnh kéo sà lan 3.000 tấn tiếp tế cho bộ đội Trường Sa, nhiều anh em trong số 21 thành viên thủy thủ đoàn không tin mình có ngày trở về. Nhưng rồi vượt qua bao hiểm nguy, gian khó, anh em đã đưa tàu đến đích bình yên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Sau chuyến đi Trường Sa, tàu CSG 240 tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng tại vùng biên giới Tây Nam. Với những thành tích đặc biệt trên cùng nhiều đóng góp khác, năm 1985, tàu CSG 240 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Thanh lý con tàu: Những lý lẽ chưa thuyết phục
Một cán bộ hiện còn làm việc trên tàu CSG 240 khẳng định: Nếu được đại tu, tàu vẫn chạy được từ 5 đến 7 năm. Nhưng điều ông và đồng đội mong muốn là công ty không nên đặt nặng vấn đề lãi lỗ với con tàu bởi không ai mặc cả với lịch sử.
Mang bức xúc của những người đã một thời sống chết với con tàu, chúng tôi gặp ông Nguyễn Vĩnh Khang, Phó Giám đốc Công ty Lai dắt Tàu biển. Ông Khang cho biết: Đầu năm 2006, khi làm việc với công ty, “tổ công tác” của CSG đề nghị phải thanh lý tàu CSG 240 vì tàu kinh doanh không hiệu quả.
Chưa thỏa mãn, chúng tôi tìm gặp Tổng Giám đốc CSG Lê Công Minh và nhận được câu trả lời: “Nếu vì “lịch sử” mà giữ lại con tàu, thì không chỉ đời sống của CB-CNV Công ty Lai dắt mà cả CSG cũng bị ảnh hưởng...”. Ông Minh còn ví von: Người anh hùng đến tuổi vẫn phải về hưu. Huống chi đây chỉ là con tàu!
Đành rằng trong cơ chế thị trường, lợi ích kinh tế được đặt lên hàng đầu. Nhưng đối với con tàu CSG 240, thì có quá vô tâm không khi xóa sổ một chiến tích anh hùng?
Bà Trần Hồng Ánh, Giám đốc Bảo tàng TPHCM: Tàu CSG 240 rất đáng được lưu giữ Theo tôi, việc thanh lý một con tàu từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động phải được xem xét một cách nghiêm túc. Đứng ở góc độ lịch sử và với những đóng góp to lớn, tàu CSG 240 rất đáng được lưu giữ. Song vấn đề đặt ra ở đây là lưu giữ bằng cách nào, bởi không đơn giản. Bỏ ra 6 tỉ đồng để mua lại tàu là số tiền không nhỏ, chưa kể phải tính đến các công trình liên quan. V.T ghi |
GS-TS Phạm Mai Hùng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng VN: Hãy kiến nghị lưu giữ tàu CSG 240 Trước đây, Công ty Đảm bảo Hàng hải Hải Phòng có một con tàu được Liên Xô trang bị. Nhiệm vụ của tàu là vận tải hàng hóa đến các đảo xa. Sau này, khi Mỹ phong tỏa các cửa sông, các nhà khoa học đã nghiên cứu, gắn bộ phận kích nổ thủy lôi cho tàu. Cảng Hải Phòng và đường biển từ Hải Phòng đến Quảng Bình được khơi thông nhờ những con tàu này. Sau này, Công ty Đảm bảo Hàng hải Hải Phòng định bán con tàu theo kiểu bán sắt vụn. Bộ VHTT muốn lưu giữ vì nó lập công lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nên đề nghị Bộ GTVT chuyển con tàu cho Bảo tàng Cách mạng VN. Cục Hàng hải đã giao tàu cho chúng tôi, hiện Bảo tàng Cách mạng VN đang xin kinh phí để phục hồi tàu. Với tàu CSG 240, tôi nghĩ giữ lại là việc nên làm bởi nó là một hiện vật rất có giá trị. Ý định bán con tàu chỉ là do nhận thức không đầy đủ của một số người. Hãy kiến nghị việc lưu giữ con tàu lên UBND TPHCM và Bộ GTVT. Nếu đọc hồ sơ và những chiến công của con tàu, tôi chắc là Bộ sẽ ủng hộ. Y.A ghi |