Chất xám của VN đang chảy ra nước ngoài
Việt Nam đang cần một nguồn nhân lực trí thức cao để xây dựng một hình thái kinh tế mới cao hơn, hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn. Đó là nền kinh tế tri thức.
Nhưng VN đang gánh chịu một mất mát to lớn, đó là chất xám đang chảy ra nước ngoài hoặc những đối tượng sử dụng mà họ không mất tiền của đầu tư. Chất xám VN từ trong nước có xu hướng tuôn ra nước ngoài. Tại sao chúng ta đang thiếu và đang cần mà chất xám vẫn cứ chảy đi nơi khác ?
Thực trạng này đã được nhiều đại biểu nêu lên tại hội thảo “Kinh tế tri thức khoa học và thực tiễn ở VN” diễn ra trong hai ngày 10 và 11-11 tại Hà Nội.
Theo tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật VN, nguyên nhân quan trọng dẫn đến “chảy máu chất xám” là vấn đề quản lý nguồn nhân lực có nhiều bất cập. Các sinh viên được cử đi học nước ngoài khi trở về không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước trong việc tìm kiếm việc làm.
Nhu cầu chất xám của nước ngoài rất lớn
Mức độ cung - cầu chất xám quá chênh lệch, quá tải trong đào tạo đại học và trên đại học, mất cân bằng trong đào tạo ngành nghề. Liên quan đến điều này, bà Lê Thanh Hòa, Viện Công nghệ sinh học, dẫn chứng: Singapore hằng năm chỉ đào tạo được 2.500 người về công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu nhân lực cần đến 10.000 người, hoặc Hàn Quốc cần đến 100.000 người có trình độ tin học trong khi khả năng đáp ứng chỉ có 48.000 người. “Nhu cầu về nhân lực lớn với môi trường làm việc thoải mái đầy đủ, kèm thêm sự mời chào quyến rũ cũng là những nguyên nhân chính tạo nên 6 thực trạng chảy máu chất xám của VN”, bà Hòa nói.
Họ lại biết đãi ngộ, nâng niu...
Ngoài ra, chế độ đãi ngộ và lương bổng đối với cán bộ, đội ngũ khoa học không khuyến khích tiềm năng tri thức của họ, trong khi các đơn vị nước ngoài hay cơ sở nước ngoài hoạt động trên địa bàn VN có chế độ tốt hơn. Theo bà Hòa, một số nước phương Tây trả công rất cao cho người lao động khoa học có trình độ thích hợp với yêu cầu của giới chủ- đây là cái mốc cám dỗ với nhiều nhân lực trí thức thế giới, trong đó có VN. Các ý kiến từ hội thảo cho thấy, có 6 thực trạng chủ yếu mà chất xám VN bị các đối tượng khác chiếm đoạt là: Được Nhà nước cử đi đào tạo, tái đào tạo và ở lại nước ngoài làm việc; về nước nhưng không tìm được nơi công tác và phải ra đi; làm việc không ở trong các cơ quan Nhà nước; tìm cách ra đi nước ngoài làm việc; sau đào tạo ở lại nước ngoài, đổi nghề nghiệp chuyển sang kinh doanh và định cư ở nước ngoài.
Chất xám của Việt kiều còn xa tầm với của VN
Theo tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều biết dựa vào cộng đồng ngoại kiều để phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) cùng các ngành công nghiệp trong nước nhưng VN chưa huy động được nguồn chất xám này (trong khi tiềm năng của đội ngũ này rất lớn). Ông Dinh đưa ra con số: Trong 3 triệu kiều dân ở nước ngoài, có đến 400.000 người có trình độ đại học và sau đại học, cộng đồng Việt kiều có số lượng đông thứ 3 sau cộng đồng Hoa kiều và Ấn kiều làm việc trong các ngành công nghệ cao tại thung lũng Silicon (Mỹ). Chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ đã biết tận dụng điều này để thúc đẩy các hoạt động công nghệ cao tại nước mình cũng như trong thung lũng Silicon thông qua kiều dân của họ. Ông Dinh cho biết: 33% người VN có việc làm trong các ngành công nghệ cao tại Mỹ, so với 38% đối với người Ấn Độ, 32% đối với người Trung Quốc và 16% đối với người châu Âu. Theo đánh giá của East Bay Business Times, số lượng này đang tăng nhanh, sức mạnh kinh tế và KH&CN trong cộng đồng Việt kiều cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Số lượng Việt kiều thành lập DN hoặc nắm giữ các cương vị cao trong các DN ở nước ngoài cũng tăng lên.
5 kiến nghị giữ nhân tài
Để quản lý có hiệu quả nguồn nhân lực khoa học và hạn chế chảy máu chất xám trong và ngoài nước, bà Hòa kiến nghị: Thứ nhất, cần có một chương trình quản lý thống nhất thu nhận lại số nhân lực khoa học đào tạo tại nước ngoài. Không nên lấy con số đã đào tạo bao nhiêu, mà nên coi số đã sử dụng bao nhiêu và chất lượng sử dụng như thế nào làm chỉ tiêu đánh giá đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài. Thứ hai, cho phép một số cơ quan Nhà nước có nhu cầu tuyển chọn được quảng cáo hoặc trình yêu cầu của họ tại các điểm thu nhận sinh viên tốt nghiệp hoặc các trường đại học... Thậm chí nên triển khai chủ trương này thông qua các cơ quan ngoại giao VN tại nước ngoài đang quản lý lưu học sinh nhằm cung cấp thông tin cho họ. Thứ ba, nên ưu tiên phân bổ công việc cho các đối tượng được cử đi đào tạo, Ban Tổ chức Chính phủ nên dự trù một số chỉ tiêu biên chế nhất định cho các ngành khác nhau đối với các đối tượng đặc biệt để khuyến khích họ phục vụ đất nước. Thứ tư, thực hiện ngay cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thật hợp lý với nhân lực KH&CN. Có thể có chính sách lương khởi điểm bằng vài lần lương tối thiểu. Thứ năm, đa năng hóa và xã hội hóa nhân lực khoa học - một hình thức tương đối táo bạo mà nếu chấp nhận sẽ giống như việc bỏ tem phiếu thời bao cấp và chấp nhận quy luật giá cả thị trường bởi lẽ chất xám sẽ trở thành mặt hàng KH&CN.
Một vài số liệu về tiềm lực KH&CN VN
Chỉ số Việt Hàn Quốc Đức Mỹ - Tỉ lệ người NCKH trên 100 dân - So với VN 0,18 1,0 lần 2,19 12,2 lần 2,83 15,7 lần 3,67 20,4 lần - Chi cho KH&CN (ng/năm) - So với VN 1,25 USD 1,0 lần 212 USD 170 lần 511 USD 400 lần 794 USD 635 lần