“Chạy” vốn, “chạy” dự án - bao giờ dứt?
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, năm 2003 nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của cả nước là trên 70.000 tỉ đồng. Trong khi đó, ngân sách chỉ đáp ứng được hơn 37.800 tỉ đồng. Với nguồn vốn hạn hẹp đó nhưng cả nước lại có đến hơn 30.000 dự án xin được cấp vốn. Thực trạng trên khiến cho vốn đầu tư XDCB bị dàn trải mà chủ yếu tập trung ở những dự án nhóm C (do bộ, ngành và địa phương quản lý với số vốn dưới 100 tỉ đồng).
Đã có đường dây “chạy dự án”
Do “cầu” vượt quá “cung” nên đã xuất hiện những đường dây “chạy dự án” liên tỉnh khiến cho khoản ngân sách dành để đầu tư XDCB vốn đã hạn hẹp lại càng kém hiệu quả. Vừa qua, Công an Hà Nội đã khám phá một đường dây chuyên “chạy dự án” cho các bộ, ngành và địa phương. Công an đã thu giữ được hơn 300 hồ sơ xin dự án của 32 tỉnh, thành trong cả nước đang “nhờ” đường dây này thực hiện. Điều tra bước đầu cho thấy, có vị cán bộ cấp huyện đã chi cho đường dây này 40 triệu đồng gọi là tiền “tạm ứng” để “kéo” bằng được cho huyện một dự án. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ khâu phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương và tâm lý muốn có nhiều dự án, tìm mọi cách có dự án bất chấp việc dự án đó có hiệu quả hay không. Hiện tượng “chạy dự án” và việc xuất hiện loại tội phạm “chạy dự án” là nguyên nhân, đồng thời là hậu quả của tình trạng bố trí vốn dàn trải, tràn lan trong XDCB kéo dài trong nhiều năm qua.
Có nhiều người mắc bệnh “mê dự án” và cơ quan nào, địa phương nào cũng muốn có bằng được dự án, kéo bằng được dự án về mình.
Ở vùng thoát lũ nên phải có dự án bể bơi
Công trình Nhà Thi đấu thể thao huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây được khởi công tháng 7-2001 với kinh phí được duyệt là 2 tỉ đồng lấy từ ngân sách tỉnh và huyện. Năm 2001, công trình được cấp vốn 700 triệu đồng. Năm 2002 không được cấp vốn vì không có tiền. Năm 2003 được cấp thêm 200 triệu đồng. Lãnh đạo đơn vị thi công công trình này cho biết chỉ cần 6 tháng là hoàn thành nhưng cho đến nay, đã 3 năm mà công trình vẫn dở dang. Mặc dù công trình trên còn chưa hoàn thành nhưng huyện này lại tiếp tục “xin” thêm hai dự án nữa là dự án xây dựng bể bơi và dự án xây dựng sân vận động. Lý do xây bể bơi thật “dễ thương”: Vì đây là vùng thoát lũ bảo vệ Hà Nội nên phải có bể bơi dạy cho trẻ con biết bơi để khỏi chết đuối. Đối với dự án xây dựng sân vận động, một vị cán bộ huyện khoe: “Phong trào đá bóng ở huyện rất cao, có xã thành lập đến bảy đội bóng nên cũng cần có sân vận động để tổ chức thi đấu giải bóng đá cấp huyện”.
Ngay tại Hà Nội, công trình Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin Hà Nội được khởi công từ năm 1992 với thiết kế 17 tầng, tọa lạc trên diện tích hơn 10.000 m2, nhưng cho đến nay mới chỉ hoàn thành xây thô được 6 tầng. Công trình này đã vài lần phải chuyển chủ đầu tư và chuyển mục đích sử dụng nhưng có thời gian đến mấy năm liền không thấy xây dựng gì và cũng không biết đến bao giờ mới hoàn thành. Họ cứ xuýt xoa tiếc mãi vì công trình nằm ngay trên mặt đường Giảng Võ, một vị trí lý tưởng của Hà Nội nhưng lại chẳng mang lại hiệu quả gì.
Không cấp vốn cho những dự án không hiệu quả
Giải pháp để khắc phục tình trạng đầu tư vốn XDCB dàn trải và kém hiệu quả là các bộ, ngành, địa phương cần điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn từ những dự án không đủ thủ tục đầu tư, hoặc chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện, chuyển sang những dự án thực hiện nhanh nhưng thiếu kế hoạch vốn. Điều này sẽ tránh được tình trạng dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng không đủ điều kiện để triển khai thực hiện, trong khi những dự án có khối lượng thực hiện lớn nhưng lại không được bố trí đủ vốn để thanh toán. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ XDCB và ngăn chặn tình trạng gây lãng phí trong đầu tư và xây dựng.
Theo ông Nguyễn Văn Trong, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước VN, thì: “Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư một lượng vốn cho XDCB rất lớn, nhưng số lượng các công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng không nhiều. Vì vậy, những công trình nào, dự án nào thiếu thủ tục hoặc không hiệu quả thì cương quyết loại ra khỏi kế hoạch cấp vốn. Ngay cả những công trình đang được bố trí vốn, nhưng dàn trải trong nhiều năm cũng cần xem xét lại, nếu thấy không hiệu quả cũng cương quyết cắt bỏ”.