“Chạy” xây dựng: Chuyện chưa có hồi kết !
Mỗi năm, TPHCM có khoảng 30.000 căn nhà được xây dựng, nhưng chỉ 35% có giấy phép. Chưa nói việc “chạy” giấy phép gian nan như thế nào, chỉ riêng việc để cho những ngôi nhà bình yên xuất hiện trong phố phường cũng đủ thấy khổ chủ phải vận dụng mọi cách, mọi kế để được yên thân.
Hộp thư mật phát giác tiêu cực “chạy” Nếu bạn phát hiện những dịch vụ “chạy”; nếu bạn được gợi ý để “chạy”; nếu bạn có những thông tin liên quan xung quanh vấn đề này, chúng tôi trân trọng mời bạn cùng tham gia thực hiện chuyên đề “Chạy và... chạy”. Bạn có thể nêu những trường hợp cụ thể, viết nhận xét, bình luận hoặc hiến kế để góp phần bài trừ vấn nạn này. Chúng tôi đã mở HỘP THƯ MẬT nhằm phát giác những tiêu cực liên quan. Những thư bạn đọc gởi đến sẽ không đăng báo mà xử lý và chuyển đến các cơ quan chức năng để xem xét. Khi phản ánh thông tin, xin bạn đọc cho biết tên, địa chỉ để liên hệ khi cần thiết. Các thư nặc danh chúng tôi sẽ không xử lý. Hoan nghênh và cảm ơn sự hưởng ứng của bạn đọc. PHẢN HỒI Sau khi chuyên đề “Chạy và... chạy” ra mắt bạn đọc, HỘP THƯ MẬT đã nhận được 4 ý kiến của bạn đọc phát giác những tiêu cực về vấn đề “chạy” (gồm có: 1 ý kiến phản ánh việc “chạy” giấy phép lái xe gắn máy ở quận 1, 1 ý kiến của phụ huynh học sinh phản ánh hiện tượng “chạy” tuyển sinh ở quận Tân Bình, 2 ý kiến về việc xây nhà vượt tầng tại quận 1). Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và sẽ chuyển đến cơ quan có trách nhiệm để xử lý.
Mọi con đường đều về đích: “Chạy”
Một người thân của tôi, trong thời gian nghỉ chờ hưu đã quyết định làm một “bước đột phá” sau khi nghe mọi người kể về nỗi gian nan chầu chực, chờ đợi làm thủ tục hợp thức hóa nhà, đất để xây dựng. Theo ông, mọi giấy tờ của mình đều hợp lệ can cớ chi phải “chạy”. Nhưng rồi sau hai tháng “vã mồ hôi” ở cửa công với hàng loạt lời hướng dẫn, hẹn hò và hơn 100.000 đồng tiền gửi xe cùng 200.000 đồng tiền phô tô, sao y giấy tờ các loại, ông đành chào thua. Sau 15 ngày giao phó cho “đường dây” thì mọi việc đều hoàn tất và ông tự an ủi: Dẫu sao việc cũng đã xong!
Không biết từ bao giờ khi cần lo những thủ tục về nhà, đất, mọi người đều quen với việc phải lục từ trong trí nhớ ra những mối quan hệ của mình để nhờ vả. Cũng có khi chỉ là việc tình cảm nhằm “đẩy nhanh tiến độ” bởi vì trong “mớ bòng bong” các loại thủ tục giấy tờ, thế nào cũng có những sơ hở để làm nguyên cớ khó dễ cho khổ chủ. Hành trình để “an cư” luôn thử sức người trong cuộc và thế là dù muốn, dù không họ cũng phải “vào cuộc chạy” cho yên chuyện. Nhưng khi có trong tay giấy phép xây dựng (GPXD) chủ nhà chưa chắc đã “bình yên”. Nhiều người đã trải qua thực tế kết luận rằng, GPXD chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Để việc xây dựng thuận buồm, xuôi gió, những người trong cuộc phải “chạy” để bảo đảm không bị làm phiền! Một kỹ sư xây dựng kiêm nhà thầu thi công kể với chúng tôi, cách đây không lâu khi xây dựng căn nhà trên địa bàn quận Tân Bình, chủ nhà vì vắng mặt đã đưa cho anh hàng loạt phong bì lớn nhỏ với lời dặn dò thật kỹ lưỡng phải chi cho ai, cho ai. Và kết luận có vậy việc mới “chạy” tốt. Quả nhiên, chỉ mới đổ xe cát đầu tiên là từ đằng xa đã thấy thấp thoáng bóng dáng của anh công an khu vực đến kiểm tra. Theo lời, anh vội đưa phong bì. Mắt liếc vào GPXD, tay mân mê phong bì, anh công an phán ngay: “Ít nhất cũng được bằng cái thẻ cào di động, chứ thế này thì hẻo quá!”. Chưa hết là tới nhà đất phường, cán bộ phòng quản lý đô thị... và phong bì đưa ra, GPXD chỉ còn là chuyện nhỏ vì chẳng ai quan tâm đến nội dung.
Giám đốc xây dựng cũng khổ vì “chạy”
Ông N., giám đốc một công ty chuyên về kiểm định trực thuộc Bộ Xây dựng, tự thực hiện việc lập bản vẽ thiết kế xin GPXD căn nhà cho mình. Nhưng không ngờ bản vẽ phải điều chỉnh trên 4 lần với thời gian ròng rã hơn 2 tháng trời. Khi thì phải chuyển sơ đồ móng sang gộp chung với bản vẽ điện, lúc thì phải chuyển sang chung với bản vẽ kết cấu các mặt cắt của công trình... Cuối cùng, ông cũng “nhận ra vấn đề” khi giao việc này cho thuộc cấp “chạy” giúp. Bảy ngày sau, ông nhận được GPXD cho căn nhà trên với hồ sơ thiết kế xây dựng không chỉnh sửa gì trên bản vẽ như ban đầu của ông. Tưởng thế là xong, do “sơ suất”, cán bộ thụ lý lại ghi diện tích thiếu đến cả trăm m2, ông N. lại phải tiếp tục nộp hồ sơ xin điều chỉnh diện tích. Vậy mà ông mất thêm 15 ngày nữa. Ấy là do ông sớm “tỉnh ngộ” chứ không chẳng biết còn phải chờ đến bao lâu!
Đã quen với việc chạy xây dựng, ông K., giám đốc một công ty TNHH về xây dựng, vẫn loay hoay với việc xin phép hoàn công vì đã xây lố 2 tầng với diện tích lên đến hơn 200 m2. Một đồng nghiệp cho rằng đây là “chuyện nhỏ”. Đến khi nhận được giấy hoàn công, ông vẫn cứ băn khoăn. Hỏi đi, hỏi lại ông mới tá hỏa khi biết độc chiêu qua mặt là xóa đi phần nhà xây dựng vi phạm trong tấm ảnh kỹ thuật số để hợp lệ hồ sơ. Còn người ký duyệt, thì thấy người trình trong “đường dây” nên cũng chẳng kiểm tra thực tế.
Những phi vụ “chạy” siêu sao
Đầu tiên thuộc về một căn nhà trong số những trường hợp hiện đang bị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý và buộc phá dỡ phần vi phạm do xây dựng trái phép và vi phạm quy định về tầng cao của bà L. tại quận 1. Quá trình chạy đã biến ngôi nhà không phép thành có phép, từ 1 trệt, 3 lầu thành 1 trệt, 5 lầu. Và cuối cùng, bà ngang nhiên xây dựng lên 10 tầng vì tin chắc mình có thể “chạy” giấy hoàn công toàn bộ phần đã xây. Kế đến là căn nhà cũng nằm tại quận 1 tuy không được liệt trong danh sách “đen” xử lý của TP, nhưng về thành tích là cả một chuyện đang làm giới “dịch vụ” phải khâm phục về trình độ của những chuyên gia tham dự trong phi vụ này. Căn nhà ban đầu chỉ được các cơ quan chức năng cho phép xây dựng 1 trệt, 5 lầu vì diện tích quá nhỏ. Nhưng không hiểu với hình dáng như que củi, nó lại được cấp thẩm quyền TP cho hoàn công với trên 12 tầng. Điều đáng khâm phục là trong quá trình xây dựng, nó đã bị một phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo phải buộc tháo dỡ, nhưng không hiểu lời nói gió bay hay tài của các chuyên gia mà căn nhà vẫn còn nguyên cho đến bây giờ. Nghe nói cả phi vụ này từ xin phép đến hoàn công chủ nhà phải chi cho một văn phòng luật đến trên 20.000 USD (?!).
Sẽ không có một thống kê cụ thể nào về chuyện chạy trong xây dựng nhà. Các cấp thẩm quyền mỗi nơi, mỗi kiểu, những người dân tùy theo sự hiểu để tìm cách thích nghi. Điều đáng quan tâm là tất cả mọi việc tuy ai ai cũng khó chịu, bực mình nhưng rồi vẫn im lặng chấp nhận. Phải chăng đây chính là nguyên cớ để sự việc cứ diễn ra mà không có hồi kết? Và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân dường như đang bỏ ngỏ...
T.Nguyên
Ông Võ Văn Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM:
Tổng hợp nhiều biện pháp để ngăn ngừa sai phạm
. Phóng viên: Xung quanh lĩnh vực xây dựng hiện nay, theo phản ánh của người dân, tình trạng “chạy” để hợp thức hóa các vi phạm xây dựng được xem là hiện tượng khá phổ biến trên địa bàn TP. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ông Võ Văn Tuấn: Việc xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn TP đang là hiện tượng phổ biến, nhất là các công trình nhà ở. Nếu cơ quan nào hợp thức hóa công trình xây dựng không phép trên đất không được quy hoạch là đất ở thì đều sai phạm.
. Để căn nhà có thể mọc lên thì chủ nhà phải lao vào “chạy” giấy phép xây dựng (GPXD), nếu không thì việc “giam” giấy này từ 2 tháng đến nửa năm là chuyện thường. Vậy muốn chấm dứt tình trạng trên, theo ông giải pháp trước mắt cần được thực hiện như thế nào?
- Từ tháng 5-2002, Sở Xây dựng đã thực hiện website: www.constructiondpt.hochiminhcity.gov.vn. Trên website này, người dân có thể tìm hiểu tất cả các quy định về cấp phép xây dựng và theo dõi được tiến trình thụ lý hồ sơ tại sở. Nếu tiến trình này có chậm so với quy trình, người dân có thể khiếu nại tới giám đốc sở và các cấp chính quyền cao hơn.
. Trong thời gian qua, việc căn nhà 112-114 Lê Lai (quận 1) đang phải chấp hành hướng xử lý của quận (buộc tháo dỡ các tầng lầu vi phạm), thì Sở Xây dựng lại hướng dẫn thủ tục xin GPXD 10 tầng và trường hợp nhà 54 - 56 Phạm Hồng Thái chỉ xin xây dựng 5 tầng, lại xây 10 tầng. Đây là “sơ suất” hay “ưu ái”?
- Căn nhà 112 - 114 Lê Lai được chủ đầu tư xin phép làm nhà ở (5 tầng), sau điều chỉnh thành văn phòng làm việc (10 tầng), do chủ đầu tư chuyển đổi công năng (văn phòng làm việc có thể được cao hơn nhà ở trên cùng một địa điểm xây dựng) nên sở đã hướng dẫn về thủ tục điều chỉnh GPXD. Khi sở nhận được quyết định xử lý của UBND quận 1, sở đã không giải quyết tiếp việc cấp phép. Căn 54 - 56 Phạm Hồng Thái, xin 5 tầng nhưng xây 10 tầng, quyết định xử lý của UBND TP chỉ buộc tháo dỡ các phần ban công vi phạm, không ghi buộc tháo dỡ 5 tầng xây dựng sai phép nên cán bộ thụ lý đã hiểu rằng UBND TP cho phép giữ lại 5 tầng. Qua ý kiến báo chí, hiện sở đã thu hồi biên bản hoàn công và tiến hành kiểm điểm các cá nhân có liên quan.
. Có một thông tin cho rằng tại Phòng Cấp phép xây dựng trực thuộc sở, có chuyên viên ở đây tuyên bố, ở các quận trung tâm muốn lên được 10 tầng thì phải “xì” ra ít nhất 30 vé, nếu không miễn bàn. Ông nghĩ gì về chuyện này?
- Hiện nay, khu trung tâm TP chưa có quy hoạch chi tiết nên khi xem xét cấp GPXD, Sở Xây dựng đều xin ý kiến Sở Quy hoạch Kiến trúc về tầng cao công trình. Số tầng cao được phép xây dựng của công trình đều có sự thỏa thuận chung và được công bố công khai.
Việc quản lý cán bộ công chức là một quá trình tổng hợp nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa sai phạm. Đối với cán bộ công chức của sở, nếu có sai phạm thì phải được xử lý thích đáng như ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết, cho dù ở bất cứ cương vị nào.
Nam - Long thực hiện