Chiều ba mươi năm ấy
Chiều vùng ven. Đêm địch hậu. Hơi Xuân phả nồng nàn trên những cánh đồng bưng đang mùa cây trái. Đâu đây như có cả mùi nhang khói bảng lảng tràn về.
Cả nước vào trận. Có những khoảng thời gian truân chuyên, khổ hạnh và cao đẹp như thế. Tất cả cõi tâm hồn chỉ tỏa lan về một hướng tinh khiết mất còn, sống chết, không vướng bận lo toan những ham muốn vặt vãnh, tầm thường, không bon chen, không đố kỵ, không bẫy nhau vì lợi quyền, danh phận, tiền bạc, chỉ có tình người, tình đồng đội vút bay, khoáng đạt, nặng đằm. Và em, cô gái vùng ven, cô du kích, cô giao liên, cô y tá, cô pháo binh vùng cài răng lược ngặt nghèo cứ nổi bay lên khỏi chết chóc như một điểm nhấn, một tầng cao văn hóa, một dấu son tươi thắm, thơm thảo nhất mà chỉ có thể sinh ra từ thế nước gian nguy, sơn hà gặp biến.
Chiều vùng ven, đêm trừ tịch. Em đi trước đội hình dẫn lối, đôi bắp chân con gái bưng biền vốn xanh xao màu da sốt rét sao cứ sáng trắng, sáng đến ngẩn ngơ, sáng như niềm tin vào trận dưới những đôi mắt hỏa châu đỏ nọc, nham hiểm và độc địa của kẻ thù. Bước sau những dáng hình mảnh mai, ắp đầy nữ tính như thế, trong đáy sâu tâm khảm bỗng trào lên khe khẽ một cảm xúc bâng khuâng khôn tả. Cuộc chiến tranh sẽ trở nên lãng mạn, hun hút, thẳm sâu biết bao khi đêm nay có các em cùng vào trận dẫu rằng giá như cuộc hành trình đi vào chết chóc này đừng có em, không nên có em thì lòng dạ lính chiến sẽ nhẹ hơn. Nhưng nếu không có thì cuộc chiến đấu này, nỗi gian truân này cũng trở nên thật buồn, sẽ mất đi thật nhiều ý nghĩa làm sao. Chính cái dáng hình mềm mại, cái bờ vai chim sẻ, cái mắt nhìn vời vợi kia đã làm vơi đi mất mát, làm xanh lại màu úa héo cây rừng, làm dội lên một chút hùng tâm tráng sĩ muốn chở che, muốn vỗ về, an ủi trong tâm hồn những chàng trai giải phóng xa quê biết chừng nào.
Để rồi đêm về, đêm ba mươi thăm thẳm mịt mùng, trong tiếng bìm bịp kêu ẩm ướt, tiếng tắc kè khàn khàn gọi tuổi trên chạc cây, tiếng trẻ cười đón Xuân rộn ràng trong bìa ấp, nỗi niềm con gái một thời và muôn thời lại khe khẽ nhen lên một tiếng thở dài cố nén trong lòng võng đung đưa. Và đêm ấy, nếu cái bóng đen hôi hám của chiến cuộc nuốt chửng đi một cuộc đời, một thân hình thân yêu đồng đội thì tiếng thở dài đó sẽ vỡ òa thành tiếng khóc tức tưởi như khóc cho chính mình ngày mai cũng thế. Nhưng không sao, hết đêm rồi bầu trời lại ràng rạng sáng, nhìn trong mắt các em lại xanh biếc màu lá sau mưa, long lanh những giọt sương sớm tràn đầy hy vọng vào một chân trời yên ả. Chính giây phút đó, những chàng trai dạn dày chinh chiến lại để mặc cho nước mắt trào ra. Họ khóc vì sự hiển linh của cái đẹp dâng hiến, vì sự nhẫn nại dịu hiền trong khổ hạnh, đau thương. Những nỗi niềm, những giọt nước mắt ấy từng ngày, từng chút đang biến thành những lớp phù sa đắp đổi vào những khoảng lặng im trận mạc, vào những cánh rừng lá thấp tưởng như không còn sự sống đặng giúp họ đủ nghị lực, sức chịu đựng, niềm say đi hết những chặng đường dông bão.
Chiều nay như mọi chiều chiến tranh, em lại xách súng nghiêng nghiêng dẫn đội quân đi đột ấp. Lệnh ngừng bắn hai bên được tung ra rồi, đêm nay chỉ vào ấp thăm hỏi bà con, chúc Tết trẻ thơ mà thôi. Ấp thì ở gần nhưng đường đi lại rất xa, xa nhiều khi bằng cả cuộc đời, bằng cả tuổi xuân con gái. Nhìn nhau lặng lẽ cố sống mà trở về nếu kẻ thù lật lọng. Chiều vùng ven, một lằn ranh rất mỏng giữa sự sống và cái chết. Chiều ra khỏi cửa rừng, nhìn trong mắt em sao thấy buồn tha thiết. Như cái nhìn bắt đầu lại như cái nhìn cuối chót. Cầu mong cho em, cho tôi đừng nằm lại giữa con lộ vô tình, giữa góc rừng vô danh nào đó. Trời xanh, đất xanh, rừng xanh, lá xanh, tóc em cũng xanh, chỉ có thịt da em nằm đó là trắng đến nhức lòng. Cầu mong... Nhưng em lại cười, nhú ra một chút răng khểnh làm duyên, tinh nghịch. Mặt trời sắp lặn bên kia sông. Mắt em thăm thẳm rừng chiều. Đôi mắt ấy có thể phá vỡ đi một sự hèn nhát, có thể tạo dựng một lòng dũng cảm, lại có thể làm cháy lại một niềm tin. Đôi mắt của em, của thiên thần, của những khát vọng và buồn vui, của tuyệt vọng và hy vọng, của hoàng hôn và ánh trời, của sự sống và cái chết, của người nữ chiến sĩ trinh trắng chưa có một nụ hôn con trai đầu đời đêm nay ra đi có thể không trở về, của em, cô gái có đôi mắt rừng chiều.
Đôi mắt ấy, màu rừng chiều ấy, một ngày giáp Tết ấy, đã đeo bám, ám ảnh chúng tôi cho mãi đến sau này, khi cuộc sống đang có quá chừng những ngổn ngang bừa bộn, những trái ngang và khoảng tối nhá nhem, những bươn chải mệt nhoài và cả những phút giây rạn nứt lòng tin đời thường. Đôi mắt lại vụt hiện như một tầng sâu văn hóa, một điểm tựa tinh thần, một chỗ dựa tâm linh, một dư vị ngọt ngào để chúng tôi, những người đã đi qua đời lính và cả những người chưa có dịp đi qua trận mạc soi vào, nghĩ ngợi và nhắc nhở, đánh thức những phần tốt đẹp ở góc khuất sâu nhất trong lòng mình.
Đôi mắt ấy, màu rừng chiều ấy, một ngày giáp Tết ấy đã ám ảnh chúng tôi cho mãi đến sau này. |