Chợ gạo vắng khách, siêu thị vẫn chen mua

Sau hàng loạt thông tin trấn an từ các cơ quan chức năng là không có hiện tượng thiếu gạo, cộng với động thái nhiều công ty lương thực có kế hoạch và bắt đầu đưa gạo ra thị trường với khối lượng lớn, cơn sốt giá gạo tại TPHCM bước đầu đã giảm nhiệt. Tuy nhiên, thực tế giá gạo trên thị trường vẫn còn rất cao.

Tại các chợ và điểm bán gạo ở TPHCM trong ngày 28-4, trái ngược với cảnh đám đông chen lấn xô đẩy để mua cho bằng được gạo của hôm trước, nhiều nơi hiện đã vắng tanh. Dù giá một số loại gạo đã giảm nhẹ so với mức cao điểm ngày 27-4 khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg, nhưng vẫn rất ít người mua. Riêng một số sạp gạo nằm trong các khu chợ nhỏ vẫn có đông khách ghé vào, nhưng người mua rất ít, chủ yếu là đến tham khảo giá, nắm tình hình. Ở cửa hàng gạo trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), giá gạo thơm Tài Nguyên còn 20.000 đồng/kg, gạo bụi sữa: 15.000 đồng/kg, gạo 64: 16.000 đồng/kg... Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) giá gạo bụi sữa 15.000 đồng/kg, bụi Tân Hồng: 12.000 đồng/kg. Tại chợ Cư xá Ngân hàng (quận 7), hầu hết các tiểu thương vẫn để giá niêm yết cao của hôm qua. Anh Nguyễn Minh Châu, bảo vệ chợ này, cho biết hầu như không có người mua, chợ vắng tanh và các tiểu thương chỉ ngồi chơi.

Tình hình yên ắng cũng diễn ra tương tự tại chợ đấu mối Trần Chánh Chiếu (quận 5). Chỉ ngày trước đó, chợ này nườm nượp người chen nhau mua gạo thì nay vắng hẳn khách. Theo ban quản lý chợ, do sức tiêu thụ giảm mạnh nên lượng gạo về chợ trong ngày 28- 4 còn 180 tấn, giảm đến 70 tấn so với ngày trước. Giá gạo cũng đồng loạt giảm 1.500 - 2.000 đồng/kg. Ông Vạn, chủ một sạp gạo tại chợ này, cho biết trong ngày chỉ bán lẻ được vài trăm ký.

Sáng cùng ngày, chúng tôi có mặt tại Siêu thị BigC Miền Đông (đường Tô Hiến Thành, quận 10) chứng kiến quầy gạo trống trơn. Nhiều khách hàng đứng ngồi chờ đợi trước cửa nhà kho. Đến 11 giờ 30 mới có một xe đẩy gạo ra, lập tức hàng chục người chen lấn xô đẩy nhau để giành mua từng túi gạo. Khi xe gạo được đẩy đến quầy, lượng người xúm đến giành giựt ngày càng đông. Chỉ trong chớp nhoáng, toàn bộ số gạo đem ra đã được bán sạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Vĩnh Thái, Giám đốc Siêu thị BigC Miền Đông, cho biết vào thời điểm trước khi sốt gạo, siêu thị mỗi ngày chỉ bán được 50 kg gạo, song 2 ngày qua bán trung bình 1 tấn/ngày vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng ngày 28-4, siêu thị này bán ra 1,8 tấn. Về nguồn gạo trong những ngày tới, ông Thái thông báo BigC Miền Đông đang nhập về 18 tấn gạo từ Mê Kông Cần Thơ.

Tương tự, tại Maximark (đường 3 Tháng 2), quầy gạo cũng trống trơn. Nhiều khách hàng hỏi nhân viên siêu thị bao giờ có gạo thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tại Metro An Phú (quận 2), rất nhiều người dạo quanh quầy gạo trống rỗng. Nhân viên siêu thị này trả lời với khách hàng khoảng 2 tuần nữa mới có gạo bán. Nhiều người thất vọng bỏ đi mua mì gói, bún khô...

Tại Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), buổi trưa, các quầy hàng vắng tanh, nhưng riêng quầy gạo vẫn đông nghẹt người. Theo quy định, mỗi người chỉ được mua 5 kg gạo, nên nhiều người đã huy động cùng lúc nhiều người thân trong gia đình đi mua. Do không kịp đóng gói vào bao bì có nhãn hiệu như mọi khi vì lượng khách quá đông, siêu thị này đã chở từng bao gạo lớn ra tận quầy và cho nhân viên trực tiếp đóng gói 5 kg/bao xốp trong. Loại gạo trắng hạt dài Tiền Giang giá 53.900 đồng/bao 5 kg. Hàng đóng gói đến đâu, khách hàng mua sạch đến đó. Tại Co.opMart Đinh Tiên Hoàng, mỗi khách hàng được mua 10 kg. Siêu thị này huy động toàn bộ nhân viên ra đóng gói và lập một quầy bán gạo ngay trước cửa để tránh tình trạng khách hàng chen lấn.

Khó kết tội ghim hàng

Ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM, cho biết: Sáng 28-4, Chi cục QLTT TPHCM đã phát hiện 2 điểm tích trữ gạo với số lượng lớn tại quận Bình Thạnh và một điểm tại quận 12. Riêng tại điểm kinh doanh số 28 Võ Trường Toản (Q.Bình Thạnh) QLTT phát hiện đang tích trữ 35.500 kg gạo, tấm, cám đều không hóa đơn chứng từ. Tại số 30/4/2 Vũ Ngọc Phan (Q.Bình Thạnh), phát hiện 5 tấn gạo từ xe tải đang chuyển vào nhà không có giấy tờ, không có giấy phép kinh doanh...

Tuy nhiên, theo ông Đài, những trường hợp trữ hàng như trên khó có thể xử lý triệt để mà QLTT chỉ có thể xử phạt hành vi kinh doanh trái phép, hành vi hoạt động kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ. Còn hiện tượng găm hàng hiện nay rất khó xác định vì luật cũng không có điều khoản nào quy định về vấn đề này.

Cũng theo ông Đài, từ cuối tuần qua, chi cục đã ra quân kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh gạo trên địa bàn cho thấy gần như quận- huyện nào cũng có các điểm kinh doanh gạo vi phạm như đại lý đóng cửa nghỉ bán, bán gạo không niêm yết giá... Những điểm vi phạm này đều bị lập biên bản nhắc nhở. Đối với vi phạm không niêm yết giá hiện nay cũng chỉ xử phạt hành chính chưa tới 200.000 đồng nên không đủ sức răn đe.

L.Giang

 

Hết thời cơm thêm miễn phí

Trưa 28-4, các quán cơm sinh viên ở làng đại học Thủ Đức - TPHCM đồng loạt tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/đĩa, không cho sinh viên xin cơm thêm miễn phí như trước. Quán cơm đối diện cổng Trường ĐH Tự nhiên treo bảng: “Cơm 8.000 đồng, cơm thêm trả tiền thêm 1.000 đồng/đĩa”. Một sinh viên ăn ở quán này xong ra than với chủ quán: “Đã tăng giá cơm rồi mà còn lấy tiền cơm thêm thế, chán quá”. Chủ quán trả lời: “Chừng nào gạo hạ xuống 8. 000 đồng /kg như trước thì đĩa cơm mới trở lại giá 7.000 đồng, cơm thêm mới lại miễn phí”. Trưa và chiều cùng ngày, nhiều sinh viên do sợ giá cơm cao đã chuyển qua ăn mì gói, trái cây, uống sinh tố đỡ đói.

Cùng ngày, tại các đại lý gạo gần các KCX-KCN, nằm trên địa bàn Thủ Đức- Bình Dương cũng vắng hẳn người mua hàng. Anh Hữu Sơn, công nhân Công ty EINS Vina ở KCN Sóng Thần- Bình Dương, nói: “Giá còn quá cao, mua thì sợ hớ mà cũng chả đủ tiền để mua, mình vừa điện thoại về quê ở Bắc Giang để bố mẹ gửi vào 50 kg”. Anh Sơn cho biết bạn bè anh làm công nhân ở quận Gò Vấp - TPHCM tưởng giá gạo ở khu Bình Dương rẻ nên nhờ anh mua giùm. Nhưng sau khi nghe anh thông báo giá thì họ cũng vội vã điện thoại về quê để nhờ bố mẹ gửi gạo vào.

N.Phú