Cho phép ghi và xoá nội sung thế chấp trên trang bổ sung kèm theo giấy hồng mới
Chiều 11-4, Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) thành phố đã có văn bản gửi UBND thành phố đề xuất hướng tháo gỡ đối với việc thực hiện đăng ký thế chấp đối với nhà, đất được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở theo Luật Nhà ở.
Theo quy định của Luật Dân sự và Luật Đất đai thì nhà và đất thuộc đối tượng khi thế chấp phải đăng ký. Còn theo một số thông tư liên bộ TNMT và Tư pháp thì khi đăng ký giao dịch đảm bảo, cơ quan đăng ký sẽ ghi nhận nội dung đăng ký như thế chấp hoặc xoá thế chấp lên trang bổ sung GCN quyền sử dụng đất đính kèm theo GCN của người sử dụng đất hoặc chủ sở hữu nhà - chủ sử dụng đất...
Đến khi Luật Nhà ở có hiệu lực, Nghị định 90 hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở thì không cho phép xác nhận đăng ký thế chấp như cách làm theo quy định kể trên. Từ sự không thống nhất của các văn phản pháp quy đã dẫn đến sự cố giấy hồng mới.
Mặc dù người dân đã có GCN quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở hợp pháp nhưng các ngân hàng từ chối nhận thế chấp vì không có xác nhận của cơ quan đăng ký trên giấy hồng như trước đây (sợ bị lừa đảo).
Trong khi đó, các quận, huyện trên địa bàn thành phố không biết đường nào mà thực hiện việc xác nhận cho người dân khi họ có nhu cầu xác nhận để thế chấp.
Để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, mỗi quận, huyện có cách xác nhận khác nhau.
Chẳng hạn, quận Phú Nhuận xác nhận trên trang 4 của GCN quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở. Quận 8 thì xác nhận vào đơn xin đăng ký của người dân và có văn bản thông báo về phường. Quận Tân Bình và một số quận khác thì vẫn áp dụng cách làm cũ là xác nhận vào trang bổ sung của giấy hồng.
Trên thực tế, trên địa bàn TPHCM đã có khoảng 3.000 giấy hồng mới được cấp, tất cả các trường hợp này nếu có nhu cầu thế chấp đều bị vướng.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ngày 10-4, một buổi làm việc giữa Sở TNMT thành phố và các ngân hàng để tìm ra giải pháp giải quyết sự cố giấy hồng đã được tổ chức. Đã có 2 phương án được đưa ra xem xét:
Phương án thứ nhất, cho cơ quan đăng ký được ghi nhận nội dung thế chấp, xoá thế chấp trên trang bổ sung kèm theo giấy hồng mới (cấp theo Nghị định 90); phương án thứ hai: Đăng ký thế chấp, xoá thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở sẽ thực hiện xác nhận trên đơn đăng ký và cơ quan đăng ký có công văn thông báo cho UBND phường, phòng công chứng, cơ quan quản lý nhà cấp quận, huyện biết để phối hợp quản lý.
Sau khi bàn bạc và cân nhắc, các ngân hàng và Sở TNMT đã đi đến thống nhất chọn phương án thứ nhất. Theo đó, việc xác nhận đăng ký thế chấp và xoá thế chấp được ghi nhận trên trang bổ sung như cách làm trước đây là phương án tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay.
Chiều 11-4, Sở TNMT thành phố đã có văn bản đề nghị UBND thống nhất chọn phương án 1 để thống nhất quản lý trên địa bàn thành phố.