Christina Noble: Người phụ nữ cao thượng

Hàng ngàn trẻ em cơ nhỡ hai nước Việt Nam và Mông Cổ sẽ mãi ghi nhớ người phụ nữ Ireland mang tên Christina Noble.

Đã hơn 14 năm làm từ thiện, che chở cho 120.000 trẻ em Việt Nam thiệt thòi, giờ đây bà vẫn tiếp tục hành trình tìm lại hạnh phúc cho trẻ thơ với trái tim thương yêu mãnh liệt và khát vọng không bao giờ cạn.

Năm Christina Noble bước sang tuổi 27 cũng là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ tại VN bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Một lần, Christina đã thực sự bị sốc khi được xem bức ảnh của Nick Út chụp cảnh cô bé Kim Phúc bị phỏng bom napalm, vừa chạy vừa gào khóc thảm thiết trên một con đường ở Trảng Bàng - Tây Ninh vào một buổi sáng năm 1971. Đêm ấy, Christina đã mơ thấy rất nhiều đứa trẻ bất hạnh VN chạy trong khói lửa, hai tay đưa về phía trước để mong tìm một sự chở che... Ý tưởng làm từ thiện của người phụ nữ Ireland này đã ấp ủ từ đó.

Phải hành động.- Mãi tận 18 năm sau, năm 1989, bà mới có điều kiện quá bước đến VN. “Tôi chẳng biết gì nhiều về VN xa xôi ngoài hình ảnh một đất nước của chiến tranh và bom đạn. Nơi ấy có rất nhiều người nghèo đói và trẻ em không nhà...” - Christina kể lại. Đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất xa lạ, trong túi không có nhiều tiền, không tên tuổi, không một người thân thích và không một chút vốn tiếng Việt lận lưng, thế nhưng, ngay từ buổi đầu, bà đã có dự cảm rằng mảnh đất này sẽ là nơi gắn bó thân thiết của đời mình.

. Suy nghĩ: “Khi bạn có một tuổi thơ êm đềm, bạn sẽ khó có thể thấu hiểu được nỗi buồn của những số phận đau khổ. Nếu bạn có một thời thơ ấu bất hạnh, bạn sẽ dễ dàng cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời cơ cực”.

(Christina Noble)

Một buổi chiều tại khách sạn Rex (TPHCM), trong một bữa ăn, tình cờ Christina nhìn thấy hai bé gái lem luốc đang thập thò bên kia khung cửa, đứng nhìn người khác ăn với ánh mắt thèm thuồng. Không cầm được lòng, bà đã bắt đầu công việc từ thiện của mình bằng việc dắt hai đứa bé vào cho ăn, tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới. Những lần rảo bước trên đường phố Sài Gòn, Christina nhận thấy rằng ngay tại đô thị lớn nhất VN này không chỉ có hai bé gái bụi đời kia mà còn có nhiều, rất nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Phải giúp đỡ chúng, đó là trách nhiệm của con người. Christina nghĩ ngay đến những người nước ngoài khác đang ở VN và tìm đến họ.

“Chúng ta phải góp tay làm cái gì đó để giúp đỡ trẻ em bụi đời?”. Lời đề nghị ấy được Christina nhắc đi nhắc lại mỗi khi gặp bất cứ người nước ngoài nào tại TPHCM. Rất nhiều người sẻ chia với ý tưởng của bà, nhưng ai cũng hiểu, đó là một việc quan trọng, không thể dễ dàng thực hiện. Christina thổ lộ: “Lúc đó tôi cũng cảm thấy khó khăn vì mình không có nhiều tiền, không tên tuổi. Nhưng ngược lại, tôi có hai điều quý giá, đó là một ý chí mạnh mẽ và một trái tim yêu thương. Phải hành động bằng mọi giá để bọn trẻ được tới trường, được bàn tay chăm sóc, yêu thương”. Thế rồi, bà quay trở về Ireland, vận động các tổ chức trong nước, đồng thời đến một số quốc gia khác để nói về một đất nước VN thời hậu chiến, về hàng trăm đứa trẻ bất hạnh, thất học để kêu gọi sự giúp đỡ. Năm 1990, được sự hỗ trợ về pháp lý của Bộ LĐ-TB-XH cùng các cơ quan chức năng VN, Trung tâm Bảo trợ trẻ em thiệt thòi ra đời cùng với việc thành lập Hiệp hội Bảo trợ trẻ em Christina Noble (Christina Noble Children’s Foundation - CNCF). Vậy là, ước mơ làm từ thiện của người phụ nữ Ireland có tên là “cao thượng” (“noble” - tiếng Anh có nghĩa là “cao thượng”) trở thành hiện thực.

Tôi có một ước mơ....- “I have a dream” (Tôi có một ước mơ...). Bà Christina đã nói như thế để trả lời câu hỏi của tôi: “Vì sao bà tìm đến với trẻ em đường phố VN?”. Giấc mơ của bà là chia sẻ với những mảnh đời trẻ em cơ cực - bà đã nói như thế để lý giải những gì mình đã làm trong suốt 14 năm qua tại VN. Bây giờ, bước sang tuổi 60 với một căn bệnh trầm kha trong người, sức khỏe suy giảm trầm trọng, nhưng Christina Noble vẫn còn nhớ như in những khoảnh khắc của đời mình cách đây 50 năm. Cuộc đời của bà lúc đó cũng là hình ảnh của hàng trăm đứa trẻ bất hạnh ngày hôm nay.

... Thành phố Dublin-Ireland vào những năm 1940-1950 đói nghèo và tăm tối. Tại đó, Christina Noble sinh ra trong một khu nhà ổ chuột ẩm thấp. Năm lên 10 tuổi, mẹ mất vì bệnh tim và lao phổi. Người cha nghiện ngập, bỏ bê 8 anh em nhà Noble sống bơ vơ. Không điện, không dầu, không bút viết, không được cắp sách đến trường, thời thơ ấu của Christina bị đánh cắp bởi nghèo hèn, cơ cực. Không có tiền chữa bệnh, hai người anh trai của Christina chết khi còn nhỏ và cô bé trở thành “người mẹ” của cả gia đình, cáng đáng từng miếng cơm, manh áo. Thế nhưng, tuổi thơ bé bỏng không vượt qua được gánh nặng cơm áo hằng ngày, Christina tiếp tục sống trong đói khát và tủi nhục.

“Ngày ấy, tôi chỉ ao ước gặp được một người đừng khinh bỉ mình, đừng nhục mạ mình. Chỉ cần một người thôi, thế mà vẫn không có...”. Mắt bà nhòa lệ khi hồi tưởng về quá khứ khổ đau. Rời trại mồ côi, Christina bị ném trả vào cuộc sống đầu đường xó chợ khi bước sang tuổi 16. Những buổi lê lết trên đường phố, bị chà đạp, bị đánh đập, xâm hại tàn nhẫn đến mức hoảng loạn. Không ai ra tay cứu rỗi. Thật kinh khủng! Cái nghèo đâu có tội tình gì. Thế mà... Ánh mắt bà nhìn xa xăm, quá khứ và hiện tại đan xen trong ký ức. “Lần đầu tiên tôi bắt gặp hai bé gái lang thang trước khách sạn Rex, tôi nghĩ ngay đến tuổi thơ gian khổ của mình. Có khác gì là một bản sao” - bà nhớ lại. Christina Noble nói bằng giọng run run xúc động, rằng ánh mắt của những đứa trẻ cơ nhỡ trên đường phố Sài Gòn 15 năm về trước nhìn bà một cách cầu khẩn, sao mà giống hệt ánh mắt của bà lúc còn thơ bé nơi xó chợ Dublin, nhìn những người phụ nữ sạch sẽ, sang trọng đi ngang đường trong một nỗi thèm khát vô biên. Thèm khát được ban cho những đồng shilling để ăn bánh, thèm khát được một chiếc áo cho đỡ rét, một đôi giày cho ấm chân suốt mùa đông băng giá...

Christina Noble đã vượt qua nghịch cảnh bằng nghị lực phi thường. Chính bà, khi trả lời tạp chí Time vào ngày 20-4-2003, cũng cho rằng “tôi đã vượt qua số phận bằng sức mạnh không thể tin được”. Lật lại những trang nhật ký đời bà, Christina không chỉ nếm trải những chuỗi ngày bất hạnh thời thơ ấu mà còn là nạn nhân của bạo hành gia đình và cưỡng bức lao động vào năm 18 tuổi khi gặp phải người chồng vũ phu. Christina quyết viết lại những trang đời mình bằng việc từ bỏ tất cả những phiền muộn, nuôi dưỡng ý định làm từ thiện, giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi trên thế giới, chắp cánh cho những giấc mơ của trẻ em VN kém may mắn.

Mama Tina!.- Cách đây vài ngày, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu tại Hà Nội, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Bertie Ahern đã đến thăm và dự lễ khánh thành cơ sở mới được cải tạo lại của Trung tâm Bảo trợ trẻ em thiệt thòi của CNCF tại địa chỉ 38 Tú Xương, quận 3 - TPHCM. Tại buổi lễ hôm ấy, hàng trăm trẻ em đường phố đã đồng thanh hô vang “Mama Tina” (Mẹ Tina - cái tên thân thương bọn trẻ thường gọi bà), khiến ai cũng xúc động. Sung sướng đến trào nước mắt, bà đã nói với mọi người, với Thủ tướng Bertie Ahern rằng: “Đồng tiền không mua được mọi thứ, chỉ có lòng nhân ái là lớn nhất. Tôi đến với trẻ em thiệt thòi bằng tấm lòng của người mẹ. Còn ngài, ở Ireland ngài là người cha của nhân dân. Đến VN, ngài hãy mang theo tình thương của trái tim người cha để dành cho những trẻ em kém may mắn”. Không giấu được niềm tự hào về một người phụ nữ Ireland đã dành phần lớn cuộc đời cho công tác từ thiện, Thủ tướng Bertie Ahern hứa sẽ trợ giúp các dự án của CNCF tại tất cả những tỉnh, thành VN, những nơi có trẻ em bất hạnh.

Những tấm lòng cao cả thường gặp nhau từ những hành động cao thượng. Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Bertie Ahern chọn Trung tâm Bảo trợ trẻ em thiệt thòi của CNCF để ghé thăm đầu tiên. Vài năm trước, Christina Noble đã về Ireland gặp ông, nói về CNCF, nói về bọn trẻ. Và hôm nay, ngài thủ tướng đã đến bằng sự quan tâm chân tình. Nhưng, đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt nỗ lực và cống hiến của bà – người đứng đầu CNCF – qua gần 15 năm hoạt động. Mỗi năm, ước chừng có 9.000 trẻ em được hưởng lợi từ các dự án của trung tâm như hỗ trợ giáo dục trẻ em từ mầm non đến 16 tuổi; tư vấn cho các cháu có nguy cơ bị xâm hại; chương trình trợ giúp y tế dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chương trình âm nhạc, hội họa, thể thao. Ngoài ra, CNCF còn xây dựng các trường mẫu giáo, trường học, cơ sở y tế, đào giếng cung cấp nước sạch cho các vùng sâu, vùng xa. Trước ngày 10-10, Trung tâm Bảo trợ y tế và Xã hội của CNCF cũng vừa kịp hoàn tất việc cải tạo, nâng cấp, phục vụ ngoại trú cho 26.000 trẻ em hằng năm và có khả năng tiếp nhận điều trị nội trú cho 85 trẻ bị các bệnh tiêu hóa, hô hấp, bại não, suy dinh dưỡng... Theo báo điện tử Ireland Online ngày 9-10, đến nay, CNCF đã thực hiện hơn 40 dự án từ thiện tại VN và có hơn 120.000 trẻ em bất hạnh của VN được che chở, đang ngày một trưởng thành từ vòng tay của Mẹ Tina. Chị Sơn Thu Trinh, Phó Giám đốc CNCF, cho biết: “Đã có rất nhiều trẻ trưởng thành từ mái ấm này, quay trở lại làm việc tại trung tâm, được trung tâm tiếp tục cho đi học nâng cao”.

Bước chân không mỏi.- “Ngày 25-2-2003, Thái tử Anh Charles phong cho bà phẩm trật quan chức Vương quốc Anh. Hai tháng sau, ngày 20-4, tạp chí Time gọi bà là “Anh hùng của châu Âu”. “Bà nghĩ như thế nào về những danh hiệu đó?” - tôi hỏi. Christina khẳng khái: “Thật tự hào. Nhưng tất cả những danh hiệu, phần thưởng ấy tôi xin dành tặng cho trẻ em thiệt thòi. Những gì tôi làm không phải chỉ để được gọi anh hùng. Tôi là một... kẻ ăn mày đích thực (an authentical beggar)!”. Nhìn vào ánh mắt của bà, tôi hiểu đấy là một lời thừa nhận hoàn toàn nghiêm túc bởi gần 15 năm qua, bà như một con thoi, “bay” từ nước này sang nước khác để vận động tài trợ, gây quỹ từ thiện, hay nói cách khác là xin tiền cho bọn trẻ. Không phải đi đâu bà cũng bắt gặp những ánh mắt nhân ái, thiện chí, nhưng tình yêu thương trẻ em mãnh liệt đã thôi thúc bước chân bà. Sau khi mở một trung tâm tương tự tại Mông Cổ vào năm 1997, sức khỏe Christina sút giảm thấy rõ nhưng hai đứa con Nicolas và Helenita đã tiếp quản phần việc của bà.

... Ngoài kia, nắng vàng trải khắp mặt sân Trung tâm Bảo trợ trẻ em thiệt thòi. Nhìn những căn phòng mới xây còn phảng phất mùi vôi, những đứa trẻ đen nhẻm, tóc hoe vàng ngây thơ nô đùa, giữa niềm vui của khôn tả của Mẹ Tina. Ước vọng của bà còn lớn hơn: “Tôi sẽ ra một CD để bán, gây quỹ. Tôi còn là một “ca sĩ” cừ lắm đấy!”. “Sẽ là những bài hát về lòng nhân ái, về tình thương trẻ con chứ, thưa bà?”. Christina không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Bà nói rằng CD âm nhạc sắp ra lò của bà sẽ lấy bài hát Fields of Athenry (Những cánh đồng Athenry) làm thông điệp chính. Bài hát kể về một trận đói lịch sử ở Ireland, đồng thời nhắn nhủ mọi người phải biết hy vọng, phải biết yêu quý gia đình và có trách nhiệm với trẻ em. Giờ tạm biệt, bà nắm chặt tay tôi, cất lên bài ca của ABBA bằng giọng hát của người lớn tuổi mà trong trẻo lạ thường: “I have a dream, a sing to song (...) I believe in angels. Something good in everything I see” (Tôi có một giấc mơ, một bài ca (...) Tôi tin vào thiên thần và đã thấy nhiều điều tươi sáng).

Vâng, tôi cũng tin rằng, sẽ có thêm nhiều trẻ em bất hạnh trên trái đất này tìm thấy được niềm vui khi bước chân bà đi qua...